Châu Phi trong cạnh tranh Mỹ-Trung

.

Những chuyến thăm châu Phi tiếp nối nhau của giới chức Mỹ và Trung Quốc cho thấy hai cường quốc này ngày càng để mắt nhiều hơn đến châu Phi, khu vực đang thu hút sự cạnh tranh quốc tế với vai trò “điểm hẹn mới trên bàn cờ lớn”.

An ninh và phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP
An ninh và phát triển cơ sở hạ tầng dự kiến ​​sẽ đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

“Lục địa đen” ngày càng trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Mỹ cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức nhiều nhất cho châu Phi thì Trung Quốc lại tự tin với vai trò là đối tác thương mại song phương hàng đầu của lục địa này. Câu hỏi đặt ra là: một khi cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, các nước châu Phi sẽ cân bằng mối quan hệ của họ với hai cường quốc toàn cầu này như thế nào và thậm chí sẽ định hình quỹ đạo của cuộc cạnh tranh này ra sao?

Cam kết hỗ trợ toàn diện

Theo CNN, ngày 22-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới châu Phi trong bối cảnh tình hình an ninh đã trở nên xấu đi ở khu vực Sahel và sự hoài nghi ngày càng gia tăng đối với căn cứ quan trọng của Mỹ ở Niger. Mục đích chuyến thăm không nằm ngoài nỗ lực hiện thực hóa cam kết của Mỹ về hỗ trợ toàn diện các quốc gia trong khu vực củng cố xã hội, ngăn chặn sự mở rộng mối đe dọa khủng bố tại khu vực Sahel.

Theo lịch trình, ông Blinken sẽ bắt đầu chuyến công du ở Cape Verde trước khi đến Bờ Biển Ngà, Nigeria và Angola vốn là “những quốc gia cực kỳ quan trọng cần có sự tham gia của Mỹ”. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực châu Phi cận Sahara sau 10 tháng, khi ông Blinken tạm gác lại những lo ngại về chiến sự ở Gaza và cũng là một phần của sự tiếp nối trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi năm 2022, với việc Mỹ cam kết đầu tư mạnh tay hơn vào châu Phi.

Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi thấy khó chịu về việc Mỹ tập trung vào Trung Đông và Ukraine, cũng như việc Tổng thống Joe Biden không thực hiện lời hứa đến thăm lục địa này vào năm 2023, ông Blinken nhiều khả năng sẽ có cách khía cạnh nhẹ nhàng hơn của Mỹ trong chuyến đi khi sẽ truyền tải thông điệp về cam kết của nước này về thúc đẩy, tăng cường và mở rộng quan hệ đối tác khắp châu Phi. Theo đó, những thách thức an ninh trong khu vực, bao gồm cả mối đe dọa khủng bố ở Sahel và Tây Phi, cùng với các vấn đề thương mại, khí hậu, cơ sở hạ tầng và y tế sẽ là trọng tâm trong các cuộc thảo luận. Theo CNN, ông Blinken cũng dự kiến thảo luận về cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 8-2023 ở Niger, một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ trong khu vực.

Tại điểm dừng chân đầu tiên Cape Verde, ông nói: “Tương lai của chúng ta được liên kết với nhau, sự thịnh vượng của chúng ta được liên kết và tiếng nói của người châu Phi ngày càng được định hình, thúc đẩy và dẫn dắt các cuộc đối thoại toàn cầu”. Năm 2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón các nhà lãnh đạo châu Phi để thể hiện sự quan tâm mới của Mỹ đối với lục địa này. Ngoại trưởng Blinken dẫn lời Tổng thống Biden khi đó nói rằng: “Tất cả chúng ta đều ủng hộ khi nói đến châu Phi”.

Châu Phi “đi dây” thế nào?

Thông qua chuyến công du của ông Blinken, Mỹ muốn trấn an châu Phi rằng, nước này vẫn có thể đủ khả năng để ổn định Tây Phi bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và tình hình leo thang ở Trung Đông và Biển Đỏ. Ông Blinken đến Tây Phi vài ngày sau khi chính quyền quân sự ở Niger đồng ý tăng cường quan hệ với Nga, quốc gia có chỗ đứng vững chắc trong khu vực. Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm 4 quốc gia châu Phi gồm Ai Cập, Tunisia, Togo và Cote d’Ivoire.

Ngày 19-1, ông Vương Nghị tuyên bố, Trung Quốc “sẽ luôn sát cánh cùng những nước anh em châu Phi để hỗ trợ họ bảo vệ độc lập, chủ quyền và phẩm giá quốc gia”. Nhấn mạnh châu Phi là điểm đến thường niên trong những chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các nhiệm kỳ ngoại trưởng Trung Quốc suốt 34 năm qua, theo ông Vương Nghị, điều này chứng tỏ Trung Quốc luôn luôn coi trọng và ủng hộ vững chắc đối với sự phát triển và hồi sinh của lục địa này; đồng thời khẳng định, Trung Quốc đánh giá cao tình hữu nghị và sự tin cậy bền chặt của châu Phi.

Trước sự mời gọi của nhiều cường quốc trong bối cảnh nền kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, các nước châu Phi luôn ưu tiên hợp tác phát triển để giải quyết những thách thức của mình trước. Do đó, sẽ không ngạc nhiên khi lục địa này sẵn sàng chào đón bất cứ đối tác nào và đang tranh thủ thời cơ để gia tăng tiếng nói của mình trên những diễn đàn toàn cầu. Global Times dẫn nhận định của Shen Xiaolei, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, lưu ý rằng sự phát triển của châu Phi đòi hỏi sự hợp tác toàn diện với các nước trên thế giới. Khi các nước châu Phi giành được nhiều quyền tự chủ chiến lược hơn, họ có khả năng lựa chọn đối tác hợp tác tốt hơn và sẽ không dễ dàng liên kết với bất kỳ bên cụ thể nào.

Các nhà phân tích ngoại giao khác nhận định rằng các hoạt động ngoại giao sôi nổi của các cường quốc không nên được coi là một “cuộc tranh giành châu Phi”, mà là một minh chứng rõ ràng rằng “lục địa đen” đang sở hữu sức mạnh thương lượng về kinh tế và địa chính trị trên trường quốc tế.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.