Kinh tế Đức có thể tăng trưởng vào năm 2024 nhưng cho đến nay, mọi thứ không mấy sáng sủa. Sự phát triển năng động dường như nằm ngoài tầm với của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu.
Một năm trì trệ
Theo DW, giới quan sát cho rằng, 2023 là năm trì trệ đối với kinh tế Đức và những dấu hiệu cho năm 2024 cũng không mấy khả quan. Ông Moritz Kraemer, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Landesbank Baden-Württemberg (Đức), gần đây, so sánh sự tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Đức với tấm kim loại gợn sóng khi nói: “Chúng ta đang chuyển động trong ‘nền kinh tế sóng. Nó lên xuống một chút nhưng thực ra chúng ta đang nằm thẳng trên mặt đất”.
Có nhiều lý do khiến kinh tế Đức gặp khó. Người tiêu dùng đang chần chừ chi tiêu do lạm phát và giá cả tăng. Thêm vào đó, nền kinh tế toàn cầu trì trệ đang gây căng thẳng cho các nhà xuất khẩu, khu vực vốn từng là động lực của nền kinh tế. Giá năng lượng không ổn định cũng khiến nhiều tập đoàn quốc tế tạm dừng kế hoạch đầu tư. Thậm chí, những doanh nghiệp này đang chuyển sang xây dựng những cơ sở mới ở nước ngoài như Mỹ hay Trung Quốc. Ngoài ra, quá trình chuyển đổi xanh đầy tham vọng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu do Bộ trưởng kinh tế và khí hậu Đức Robert Habeck thúc đẩy đang tiêu tốn rất nhiều tiền.
Bên cạnh đó, có lỗ hổng lớn trong cân bằng ngân sách. Tháng 11-2023, Tòa án Hiến pháp Đức bác bỏ tái phân bổ 60 tỷ EUR (khoảng 65 tỷ USD) của chính phủ tồn đọng trong quỹ Covid-19 để sử dụng cho mục tiêu khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế. Các kế hoạch của chính phủ Đức chủ yếu dựa vào việc sử dụng số tiền này trong những năm tới, do đó phán quyết của tòa án đã tạo ra lỗ hổng lớn trong ngân sách.
Sau 3 năm chi tiêu mạnh tay để đối phó đại dịch và những tác động từ xung đột ở Ukraine, Chính phủ Đức đang áp dụng biện pháp cắt giảm chi ngân sách trên diện rộng. Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tuyên bố quyết tâm giảm nợ bằng bất cứ giá nào, đồng thời nhấn mạnh năm 2024, chỉ riêng việc trả lãi vay sẽ tiêu tốn 37 tỷ EUR của chính phủ. Việc trả lãi vay khiến Chính phủ Đức lâm vào cảnh khó khăn chồng chất bởi dự thảo luật ngân sách năm 2024 trình Quốc hội phê duyệt chỉ 445 tỷ EUR. Một số người lo ngại rằng việc cắt giảm chi phí theo kế hoạch, ít trợ cấp hơn và giá năng lượng cao hơn có thể khiến nền kinh tế chậm lại và thậm chí gây ra lạm phát.
Nguy cơ mất ngôi nền kinh tế lớn thứ tư thế giới
Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) mới công bố, kinh tế Đức dự kiến tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong những năm tới và có nguy cơ rơi khỏi vị trí nền kinh tế lớn thứ tư tính theo đồng USD danh nghĩa, nhường vị trí này cho Ấn Độ vào năm 2027.
Theo nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Đức bị đánh giá yếu đi là do lĩnh vực sản xuất của nước này phụ thuộc vào năng lượng của Nga để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất nội địa. “Vấn đề nguồn cung ảnh hưởng nghiêm trọng ngành sản xuất của Đức trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong năm 2022. Sự phụ thuộc của Đức vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga khiến vấn đề này trầm trọng thêm”, báo cáo nêu rõ.
GDP của Đức dự kiến giảm 0,4% vào năm 2023, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 nếu không tính năm đại dịch 2020. Nguồn cung, sức chi tiêu hạn chế và lãi suất thắt chặt là một trong những nguyên nhân của vấn đề này.
Dự đoán bức tranh kinh tế Đức trong năm 2024, Ủy ban Châu Âu cho rằng, nước này sẽ đi sau về tốc độ tăng trưởng trong khu vực đồng tiền chung Eurozone vào năm 2024, với mức tăng dự kiến là 0,8%. Hiện, Chính phủ Đức vẫn giả định GDP của nước này sẽ tăng 1,3% trong năm 2024. Tuy nhiên, gần như tất cả chuyên gia kinh tế có uy tín đều dự đoán mức tăng trưởng GDP của Đức sẽ dưới ngưỡng 1%. Đơn cử, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán mức tăng 0,6%. Trong khi đó, mức tăng trưởng trung bình của toàn bộ 38 quốc gia thành viên OECD ước tính là 1,4%, theo số liệu công bố vào tháng 11-2023.
GIA NGHI