Việc Nga phát triển dự án tuyến đường biển phía Bắc (NSR) không phải mới diễn ra mà là cả quá trình kéo dài hơn 10 năm qua và các khoản đầu tư của Nga đang phát huy hiệu quả. Hạm đội phương Bắc và hạm đội tàu phá băng nguyên tử của Nga ở vùng vòm Bắc Cực hoàn toàn có thể giúp nước này bảo đảm an ninh cho NSR.
NSR sẽ cho phép Nga trở thành một bên tham gia chính trong quá trình vận chuyển hàng nghìn tỷ USD thương mại hàng năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và khai thác các lãnh thổ của Nga ở Viễn Bắc, gồm cả trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác. Bắc Cực có thể chứa gần một phần ba trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được thăm dò của thế giới, cũng như hơn 1.000 tỷ USD sản lượng đất hiếm.
Mặt khác, NSR là tuyến đường chạy dọc theo các vùng biển của Nga ở Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, có chiều dài khoảng 5.600km. Đây là tuyến hàng hải ngắn nhất từ châu Á đến châu Âu và là dự án kinh tế trọng tâm của Nga ở Bắc Cực và Viễn Đông. Sau khi đi vào hoạt động, NSR dự kiến cho phép vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu chỉ trong vòng 19 ngày, nhanh hơn 40% - 60% so với các chuyển hàng qua kênh đào Suez hoặc Mũi Hảo Vọng vốn mất ít nhất 30 ngày. Theo Cục quản lý tuyến đường biển phía Bắc (Glavsevmorput), tính từ tháng 1 đến 11-2023, có 32 triệu tấn hàng đi qua NSR, chủ yếu là LNG, khí ngưng tụ, quặng sắt, dầu mỏ, hàng đông lạnh, than... Nga dự báo lượng hàng hóa vận tải qua NSR sẽ ở mức 72 triệu tấn năm 2024 và gần 200 triệu tấn năm 2030.
Đánh giá về tiềm năng của NSR, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố, NSR đang ngày càng cho thấy hiệu quả logistics lớn hơn so với kênh đào Suez. Năm 2023, Nga công bố kế hoạch đầu tư khoảng 24,58 tỷ USD để phát triển NSR trong 13 năm tới. Cùng với đó, Nga đã và đang đóng hơn 50 tàu phá băng và tàu chống chịu băng, và sẽ cần thêm 88 chiếc nữa, nâng tổng số tàu có khả năng hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt lên tới 158 chiếc vào năm 2030. Thời gian tới, Nga sẽ khánh thành tàu phá băng Ledokol có khả năng xuyên thủng những núi băng cao đến 6-7m. Nga gần như hoàn tất xây dựng hoặc sửa chữa 16 cảng nước sâu và 14 sân bay xung quanh vùng vòm Bắc Cực. Không những thế, Nga còn thành lập bộ chỉ huy tác chiến ở Bắc Cực và cơ sở hạ tầng phòng không và tìm kiếm cứu nạn khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho an ninh và an toàn hàng hải.
Đặc biệt, có hai yếu tố càng làm cho Nga có thêm động lực mạnh mẽ để đẩy nhanh kế hoạch xây dựng NSR. Do tình hình ấm lên toàn cầu khiến băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang tan nhanh chóng. Theo nghiên cứu trên tạp chí Nature Communications năm 2023, mùa hè không có băng đầu tiên ở Bắc Cực có thể đến ngay sau thập niên 2040 ngay cả khi thế giới giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Các tuyến vận tải biển đang chịu áp lực. Hoạt động vận tải biển qua Biển Đỏ bị đình chỉ do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen vào các tàu chở hàng. Do đó, có ít tàu sử dụng kênh đào Suez hơn, dù đây là lối tắt nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải.
Theo Rossya 24, Đại diện toàn quyền Tổng thống Nga tại Viễn Đông Yuri Trutnev cho biết, Nga đang thảo luận với Trung Quốc để kêu gọi nước này tham gia bảo hiểm hàng hóa cho NSR. Ông Trutnev đã đề nghị hệ thống ngân hàng Trung Quốc tham gia bảo hiểm hàng hóa cho tuyến vận tải này vì tin tưởng năng lực của hệ thống. Ông đánh giá NSR sẽ trở thành huyết mạch vận tải mới của thế giới và hoàn toàn có thể cạnh tranh với kênh đào Suez. Tuy nhiên, nhiều hãng vận tải chưa sử dụng NSR chính vì hàng hóa qua đây chưa được bảo hiểm.
Các quốc gia ven biển xem việc xây dựng, khai thác lợi thế tuyến vận tải biển là chiến lược vô cùng quan trọng. Bởi vậy, đối với Nga, NSR là một huyết mạch vận tải hàng hải Bắc Cực đầy tham vọng vì nó chạy qua vùng biển thuộc Vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở cực Bắc, trải dài từ biển Okhotsk và biển Bering ở phía đông đến biển Barents và biển Trắng ở phía tây. Việc Nga tạo dựng hành lang vận tải biển NSR an toàn, rút ngắn khoảng cách giữa các châu lục là mục tiêu hàng đầu không chỉ cạnh tranh với kênh đào Suez của Ai Cập mà cả phạm vi toàn cầu.
LÊ MINH HÙNG