Hợp tác kinh tế giữa các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung, giữa Malaysia và Singapore nói riêng, trong những năm qua phát triển mạnh mẽ, tạo nhiều động lực thu hút các nhà đầu tư của hai bên cũng như trên thế giới.
Năm 2022, Malaysia và Singapore là đối tác thương mại lớn thứ hai của nhau, với kim ngạch thương mại song phương tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2021, tăng 153 tỷ SGD (hơn 115 tỷ USD). Singapore cũng là nước đứng đầu về FDI tại Malaysia, chiếm 20,5% tổng vốn FDI của Malaysia trong năm 2022. Hai nước đang thực hiện giai đoạn cuối của dự án hệ thống đường sắt vận tải nhanh (RTS Link). Tuyến đường sắt này, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2026, có chiều dài khoảng 4 km, kết nối một ga ở Bukit Chagar của Malaysia và một ga ở Woodlands North của Singapore. Với công suất vận chuyển lên tới 10.000 hành khách/giờ và thời gian di chuyển giữa hai ga chỉ khoảng 5 phút, tuyến RTS sẽ tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển giữa Singapore và thành phố Johor Bahru của Malaysia.
Để nâng tầm quan hệ kinh tế tạo dựng hình mẫu mới, ngày 30-10-2023, trong chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Thủ tướng nước chủ nhà Lý Hiển Long trao đổi định hướng bước tiến mới về quan hệ giữa hai nước, trong đó xây dựng Đặc khu kinh tế chung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc đầu tư, phát triển. Ngày 11-1 tại bang Johor (Malaysia), gần Singapore, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ (MoU) về thành lập Đặc khu kinh tế Johor- Singapore (JS-SEZ). Nằm dọc Eo biển Johor vốn phân tách đô thị với đảo Singapore phương nam, gần đây, Johor Bahru nổi lên là viên ngọc quý của đảo quốc Malaysia. Hiện tại Johor Bahru là thiên đường mua sắm giá rẻ tuyệt vời và là điểm dừng chân lý tưởng của khoảng 60% lượng khách du lịch đến thăm Malaysia từ Singapore sang. Đặc khu kinh tế Johor - Singapore sẽ nằm ở vùng Iskandar của Malaysia, khu vực mà nước này đang cố gắng quảng bá như thỏi nam châm đầu tư để thúc đẩy các lĩnh vực như điện tử, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ gắn liền với tài chính và kinh doanh.
Theo thỏa thuận, đặc khu JS-SEZ sẽ gồm trung tâm đầu tư/kinh doanh một cửa tại Johor để tạo thuận lợi cho xin phê duyệt và cấp giấy phép cho doanh nghiệp Singapore thành lập tại bang này. Ngoài ra, việc triển khai hệ thống thông quan thông qua quét mã QR không cần hộ chiếu ở cả hai bên giúp người dân thực hiện thủ tục nhanh chóng, kịp thời.
Hai nước kỳ vọng JS-SEZ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của bang Johor và thu hút các khoản đầu tư đáng kể của Singapore vào địa phương này. Năm ngoái, bang Johor nhận khoản đầu tư nước ngoài trị giá 70,6 tỷ ringgit (RM) vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của bang, đóng góp tới khoảng 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất tại bang này.
Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli cho biết, JS-SEZ mang đến cơ hội to lớn thúc đẩy thông thương và đi lại xuyên biên giới, củng cố hệ sinh thái kinh doanh cũng như nâng cao sức hấp dẫn kinh tế của cả bang Johor và Singapore. Ông tin tưởng, sáng kiến này mở chương hợp tác mới trong quan hệ kinh tế song phương, thúc đẩy kết nối và thịnh vượng tại hai nước.
Theo Nikkei Asia, việc Singapore và Malaysia hợp tác thiết lập một đặc khu kinh tế (SEZ) ở khu vực biên giới với hy vọng sẽ được hưởng lợi từ các liên kết kinh doanh chặt chẽ hơn và kết nối tốt hơn. Đặc khu kinh tế này sẽ khai thác các thế mạnh bổ sung của hai nước nhằm thúc đẩy kết nối kinh tế bằng cách cải thiện dòng hàng hóa, đầu tư và con người xuyên biên giới. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng bày tỏ: “Trong một thế giới hậu Covid-19 ngày càng bất ổn, chúng ta cần tăng cường hợp tác, đặc biệt là liên kết kinh tế và thúc đẩy quan hệ về con người, hàng hóa và củng cố hệ sinh thái kinh doanh”.
LÊ MINH HÙNG