Israel bác bỏ mọi sức ép ngừng xung đột ở Gaza

.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thẳng thừng bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt chiến sự ở dải Gaza và thả con tin. Quan điểm cứng rắn này làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột lan rộng ở nhiều mặt trận mới, trong khi số người thiệt mạng tăng lên khoảng 25.300.

Ngày 21-1, người biểu tình tập trung trước nhà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, phóng thích các con tin đang bị Hamas bắt giữ. Ảnh: AP
Ngày 21-1, người biểu tình tập trung trước nhà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để kêu gọi ngừng bắn ở Gaza, phóng thích các con tin đang bị Hamas bắt giữ. Ảnh: AP

Gần đây, Hamas bất ngờ có động thái “xuống nước” đầu tiên khi chủ động đưa ra các điều kiện mà xét cho cùng Israel có thể dễ dàng thực hiện. Ở chiều ngược lại, chính quyền Thủ tướng Netanyahu có thái độ cứng rắn hơn khi phớt lờ mọi sức ép ngày một lớn từ cả trong nước lẫn quốc tế, trong đó có cả đồng minh như Mỹ, để tiếp tục chiến dịch với mục tiêu cuối cùng: chiến thắng Hamas.

Israel không chấp nhận thỏa thuận con tin

Theo CNN, ngày 21-1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt giao tranh và thả con tin, trong đó có việc Israel phải rút quân hoàn toàn và để Hamas nắm quyền ở Gaza. Ông Netanyahu khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở mọi mặt trận, từ Gaza, Lebanon, Syria và bất kỳ nơi nào có khủng bố.

“Để đổi lấy việc thả con tin của chúng tôi, Hamas yêu cầu chấm dứt chiến sự, rút ​​lực lượng của Israel khỏi Gaza, thả tất cả những tù binh Hamas và để lực lượng này tồn tại. Tôi chưa sẵn sàng chấp nhận một đòn chí mạng như vậy đối với an ninh của Israel. Do đó, tôi bác bỏ hoàn toàn các điều khoản của Hamas”, ông Netanyahu tuyên bố.

Thủ tướng Israel cũng khẳng định quyết tâm để dải Gaza phải được phi quân sự hóa và tương lai sẽ nằm dưới quyền kiểm soát an ninh hoàn toàn của Israel. Ông Netanyahu bác bỏ mọi sức ép từ trong nước và quốc tế, tuyên bố sẽ ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine, điều mà ông cho rằng sẽ là mối đe dọa hiện hữu với Israel. Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri cho rằng, việc lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt cuộc tấn công quân sự ở Gaza đồng nghĩa với việc những người Israel đang bị bắt làm con tin sẽ không có cơ hội trở về nhà. Tờ Guardian ước tính, Hamas hiện còn giữ khoảng 130 con tin ở Gaza.

Có thể thấy, nhà lãnh đạo Israel có lập trường cứng rắn hơn về thỏa thuận trao đổi con tin để đổi lấy việc ngừng giao tranh với chỉ 2 tháng trước đó, nước này và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn kéo dài một tuần với vai trò trung gian của Qatar và Ai Cập để trao đổi con tin và tạo điều kiện cho hoạt động nhân đạo.

Chưa có tiếng nói chung về giải pháp hai nhà nước

Bất đồng giữa Israel và đồng minh thân cận nhất là Mỹ về vấn đề Gaza cũng ngày một lớn dần. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với ông Netanyahu về các giải pháp khả thi để thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập, đồng thời gợi ý khả năng lập một chính phủ phi quân sự hóa. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu phản đối quan điểm của ông Biden về tình trạng nhà nước của Palestine sau khi cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza kết thúc. 

Giới quan sát cảnh báo, nếu ông Netanyahu không đảo ngược lập trường về giải pháp hai nhà nước, Trung Đông sẽ lún sâu thêm vào chiến sự liên quan đến các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Lebanon, Syria, Iraq và Yemen vốn ủng hộ người Palestine. Trong khi đó, Hamas cũng bác bỏ mọi nỗ lực của Israel và quốc tế nhằm quyết định tương lai của Gaza hậu xung đột. Hamas khẳng định: “Chỉ người dân Palestine có khả năng quyết định tương lai của chính họ và dàn xếp công việc nội bộ của họ”; đồng thời nhấn mạnh “không bên nào trên thế giới có quyền quyết định thay họ”.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn nỗ lực tìm cách chấm dứt chiến sự ở Gaza. Theo EurActiv, ngày 21-1, Liên minh châu Âu (EU) đã soạn thảo kế hoạch 10 điểm cho một giải pháp toàn diện, đáng tin cậy về cuộc xung đột. Theo kế hoạch mới được soạn thảo, một tiến trình hòa bình trong tương lai sẽ dẫn đến một nhà nước Palestine độc ​​lập tồn tại bên cạnh Israel và bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Israel với thế giới Arab.

Đề xuất này được đưa ra khi các bộ trưởng ngoại giao của khối nhóm họp vào ngày 22-1 cùng với một số bên liên quan chính ở Trung Đông để thảo luận những tác động rộng hơn của cuộc xung đột Israel - Hamas đối với khu vực. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các quốc gia thành viên EU và các bên liên quan có sẵn sàng chấp nhận kế hoạch này hay không bởi những nước ủng hộ Israel từng từ chối lời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Hamas công bố lý do tấn công Israel
Theo AFP, ngày 21-1, lực lượng Hamas công bố lý do cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7-10-2023, sự việc khiến xung đột với Israel nổ ra cho đến tận bây giờ. Trong báo cáo dài 16 trang bằng tiếng Anh và tiếng Arab, Hamas tuyên bố cuộc tấn công là “bước đi cần thiết và là phản ứng bình thường để chống lại sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ của người Palestine”.

Đây là báo cáo công khai đầu tiên của nhóm này kể từ ngày xung đột nổ ra. Tuy nhiên Hamas cũng thừa nhận “một số sai lầm đã xảy ra”, do hệ thống an ninh và quân sự của Israel sụp đổ nhanh chóng, cũng như sự hỗn loạn ở khu vực biên giới với Gaza. Báo cáo mới của Hamas cũng yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức các hành động quân sự ở Gaza.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.