Lo ngại "giọt nước tràn ly" ở Trung Đông

.

Tiếp nối căng thẳng ở Biển Đỏ, việc lãnh đạo của phong trào Hamas vừa bị ám sát tại Lebanon và vụ nổ kép bí ẩn ở Iran là những diễn biến cực kỳ đáng lo ngại cho thấy xung đột ở Gaza bắt đầu có nguy cơ lan ra rộng hơn ở “chảo lửa” Trung Đông.

Rất đông người có mặt khi xảy ra vụ nổ tại thành phố Kerman (Iran) vào ngày 3-1.  Ảnh: AFP
Rất đông người có mặt khi xảy ra vụ nổ tại thành phố Kerman (Iran) vào ngày 3-1. Ảnh: AFP

Dù đến nay, Israel chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về các vụ tấn công nhưng quốc gia này vẫn bị nghi ngờ. Trong khi đó, nếu những biến động mới nhất này đẩy Trung Đông đứng trước bờ vực của cuộc xung đột ở phạm vi khu vực thì đây rõ ràng là “cơn ác mộng” mà Mỹ vốn dốc sức ngăn chặn kể từ xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Ai đứng đằng sau?

Ngày 3-1, một ngày sau khi nhân vật thứ hai của Hamas bị sát hại ở thủ đô Beirut (Lebanon), hơn 100 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom kép ở thành phố Kerman (Iran), theo hãng thông tấn IRNA (Iran). Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lên án mạnh mẽ vụ tấn công trong khi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei cảnh báo biện pháp đáp trả cứng rắn.

Đến nay, chưa bên nào nhận trách nhiệm nhưng Iran nhanh chóng quy trách nhiệm cho Israel và Mỹ. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller khẳng định: “Mỹ không liên quan dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi không có lý do gì để tin rằng Israel có liên quan vụ nổ này”. Tương tự, phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari chỉ nói bóng gió: “Chúng tôi đang tập trung vào cuộc chiến với Hamas”. Và để củng cố sự vô can của mình, ngày 3-1, các quan chức cấp cao của Mỹ và châu Âu cho rằng, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoặc một nhóm khủng bố khác có thể là thủ phạm nhưng họ vẫn thận trọng cảnh báo rằng đánh giá này chỉ mang tính sơ bộ và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Trong khi đó, New York Times dẫn lời ông Ray Takeyh, thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York, cho biết: “Có khả năng một trong những nhóm ủy nhiệm của Israel đã để cuộc tấn công vượt quá tầm kiểm soát”.

Trước đó, Phó thủ lĩnh phong trào Hồi giáo Hamas, Saleh al-Arouri, và 2 chỉ huy của Lữ đoàn al-Qassam, cánh quân sự của Hamas, thiệt mạng trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái ngay tại văn phòng của phong trào này ở phía nam thủ đô Beirut (Libanon). Và tương tự như vụ tấn công ở Iran, Israel cũng không đưa ra tuyên bố chính thức nào nhưng các nguồn tin an ninh của Hamas, Hezbollah và Lebanon lại tiếp tục đổ lỗi cho Israel.

Nguy cơ xung đột lan rộng

Rõ ràng, hai vụ tấn công nói trên đang thách thức nỗ lực ngăn chặn giao tranh trên nhiều mặt trận ở Trung Đông bùng nổ thành cuộc chiến lớn hơn. Theo giới chuyên gia, đây là những cuộc xung đột xảy ra cùng một lúc nhưng trong đó tất nhiên Israel-Hamas là vẫn ở vị trí trung tâm.

Neomi Neumann, cựu Giám đốc nghiên cứu của Cơ quan an ninh nội bộ Israel, nói rằng, trong vụ ám sát Arouri, tuy Israel không tuyên bố công khai nhưng lại báo hiệu đòn tâm lý và chiến lược lớn đối với giới lãnh đạo Hamas, đồng thời là bước quan trọng hướng tới mục tiêu đã nêu của Israel là loại bỏ hoàn toàn “nhóm khủng bố do Mỹ chỉ định”. Vụ tấn công thủ lĩnh của Hamas ngay trên đất Lebanon cũng cho thấy nguy cơ nước này trở thành mặt trận mới trong xung đột Israel- Hamas và có thể thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của nhóm Hezbollah, đồng minh của Hamas.

Theo Viện Chính sách Cận Đông của Washington: “Việc mất đi một người có liên quan mật thiết đến cả hoạt động chiến thuật và ngoại giao chiến lược là bước thụt lùi nghiêm trọng đối với Hamas. Điều còn lại là phải xem các đồng minh của nhóm, đặc biệt là Hezbollah, phản ứng thế nào trước cuộc tấn công.”, Trong khi đó, vụ tấn công ở Iran, bất kể nguyên nhân là gì, vốn xảy ra quá nhanh sau vụ ám sát, thì không còn nghi ngờ gì nữa rằng nguy cơ xung đột lan rộng một lần nữa lại hiện ra trước mắt.

Đô đốc đã nghỉ hưu James Stavridis, cựu chỉ huy NATO, cho biết: “Khả năng xảy ra cuộc chiến tranh ở phạm vi toàn khu vực Trung Đông đã tăng từ 15% lên tới 30%. Vẫn tương đối thấp, nhưng cao hơn trước và chắc chắn là cao đến mức khó chịu”. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Đông lưu ý rằng, dù Hezbollah và Iran không nhất thiết muốn xung đột lan rộng.

Nguồn tin từ các cuộc thảo luận nội bộ của Iran cho biết, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei đã chỉ thị các chỉ huy quân sự Iran theo đuổi “sự kiên nhẫn chiến lược” và tránh đưa Iran vào cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. The Hill dẫn lời ông Paul Salem, Chủ tịch Viện Trung Đông, nhận định, trong suốt cuộc giao tranh ở Gaza, Hezbollah vẫn khẳng định họ sẽ tham gia một cách hạn chế chỉ để “trói chân” một số lực lượng của Israel gần Lebanon; đồng thời cho rằng còn quá sớm để dự đoán liệu một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn có nổ ra hay không.

Giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch tăng cường nỗ lực ngoại giao với các quan chức ở Lebanon như một phần trong nỗ lực gây áp lực buộc Hezbollah không leo thang xung đột. Ngày 4-1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục khởi hành công du “điểm nóng” Trung Đông, trong đó có dừng chân tại Israel.

Giá dầu tăng mạnh
Vụ nổ ở Iran khiến tình hình tại khu vực vốn đang nóng bởi xung đột Israel - Hamas thêm căng thẳng. Theo AFP, giá dầu Brent đã tăng 3,1% lên 78,25 USD/thùng và giá dầu ở Mỹ tăng 3,3% lên 72,7 USD/thùng sau vụ nổ. “Căng thẳng gia tăng ở Trung Đông sau vụ nổ bom ở Iran đã dẫn đến tâm lý e ngại rủi ro hơn nữa và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao”, nhà phân tích thị trường Axel Rudolph nhận định.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.