Xung đột giữa Israel và Hamas có dấu hiệu lan rộng ra khu vực Trung Đông với nhiều mặt trận mới đan xen, khó lường, đặc biệt làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc trong khu vực và thế giới tại “chảo lửa” này.
USS Laboon, tàu khu trục của Mỹ hoạt động ở phía nam Biển Đỏ từng bị tên lửa hành trình chống hạm của Houthi bắn vào ngày 14-1. Ảnh: AFP/Getty Images |
Cho đến nay, Mỹ và Iran vẫn tránh đối đầu trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, các hành động quân sự dưới dạng “ăn miếng trả miếng” đang gia tăng tần suất trên khắp khu vực giữa một bên là lực lượng được Iran hậu thuẫn và bên kia là Mỹ, Israel và các đồng minh. Sự can thiệp trực tiếp của cả Iran và Mỹ ở Trung Đông trong những tuần gần đây đã làm gia tăng lo ngại “xung đột ủy nhiệm” có thể trở thành đối đầu trực tiếp.
Đáp trả lẫn nhau
Mỹ và đồng minh đang hợp lực để khống chế hoặc làm suy yếu “trục kháng chiến” - mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm được Iran hậu thuẫn. Gần đây, Mỹ tấn công các nhóm vũ trang có liên hệ với Iran ở Yemen, Syria và Iraq. Mỹ cũng đã liệt một số nhóm vũ trang trong các cuộc xung đột tại khu vực vào danh sách khủng bố, trong đó có Houthi và Hezbollah. Ở chiều đối trọng, các nhóm liên kết với Iran lại nhắm mục tiêu vào nhân viên Mỹ ở Iraq và Syria. Iran cũng đã tấn công những lực lượng mà họ cho là gây nguy hại cho an ninh của chính nước này ở Iraq, Syria và Pakistan.
Reuters dẫn thông báo của Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) cho biết, các lực lượng Mỹ đã triển khai thêm loạt đòn không kích vào các mục tiêu quân sự của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 24-1. Đòn tấn công này đã phá hủy hai tên lửa chống hạm của Houthis đang chuẩn bị phóng vào Biển Đỏ. “Các lực lượng Mỹ đã định vị được tên lửa ở các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen và xác định chúng tiềm ẩn nguy cơ gây ra mối đe dọa đối với các tàu buôn và tàu Hải quân Mỹ trong khu vực. Lực lượng Mỹ sau đó đã tấn công và phá hủy các tên lửa này để tự vệ.”, CENTCOM báo cáo. Trước đó cùng ngày, người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Sarea, xác nhận lực lượng này đã đụng độ với một số tàu khu trục và tàu chiến của Hải quân Mỹ ở Vịnh Aden và eo biển Bab al-Mandab khi các phương tiện này đang bảo vệ 2 tàu chở hàng thương mại của Mỹ.
Ở mặt trận khác, Mỹ không kích cơ sở của các nhóm do Iran hậu thuẫn ở Iraq. Ngày 23-1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, lực lượng Mỹ đã không kích các cơ sở mà lực lượng Hezbollah vốn được cho do Iran hậu thuẫn và các nhóm khác liên kết với Tehran sử dụng ở Iraq. Các đòn không kích là phản ứng trực tiếp trước một loạt cuộc tấn công chống lại nhân viên Mỹ và đồng minh ở Iraq và Syria mà các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn thực hiện. Tuần trước, Iran tập kích loạt mục tiêu ở Trung Đông nhằm phô diễn sức mạnh và phát thông điệp răn đe Israel, Mỹ.
Cần sự kiên nhẫn chiến lược
Iran từ lâu đã khó chịu với sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở nơi mà họ coi là sân sau của mình. Theo CNN, Iran dành vài thập niên xây dựng mạng lưới lực lượng Hồi giáo để ứng phó với phương Tây và Israel. Thực tế, cho đến nay, dù Iran được cho là có huấn luyện, trang bị vũ khí và tài trợ cho Hamas nhưng không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy Tehran chỉ đạo hoặc ủy quyền vụ tấn công Israel vào tháng 10-2023, vụ “giọt nước làm tràn ly” khiến Israel cương quyết theo đuổi chiến dịch ở Gaza để loại bỏ Hamas. Chính giới chức Iran cũng đã bác bỏ nghi ngờ này.
Trong khi đó, Mỹ từng dùng dằng khi cố gắng “xoay trục” khỏi Trung Đông trong nhiều năm nhưng nay lại dường như bị cuốn trở lại vào vòng xoáy bạo lực ở khu vực nóng bỏng này. Trước xung đột Israel - Hamas, Mỹ có hiện diện quân sự đáng kể với hơn 30.000 quân. Khi xung đột bùng nổ, họ còn triển khai thêm 1.200 quân, nhóm tác chiến tàu sân bay cùng đơn vị viễn chinh thủy quân lục chiến. Tại một số nước như Syria và Iraq, có sự hiện diện của cả lực lượng Mỹ cùng đồng minh và lực lượng Iran cùng các nhóm vũ trang ủy nhiệm đồn trú.
Theo giới quan sát, điều cấp bách nhất hiện nay là cả Mỹ và Iran cần theo đuổi chủ trương “kiên nhẫn chiến lược” trước tình thế liên tục xuất hiện nhiều “mồi lửa” ở Trung Đông, con đường ngoại giao để hóa giải những xích mích âm ỉ giữa hai nước dường như không có phần nào do nhà hòa giải toàn cầu thiếu đòn bẩy chính trị. Các nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá hành động trực tiếp và gián tiếp của Iran là mối đe dọa đối với lợi ích sống còn của Mỹ và rộng hơn là phương Tây.
Song, có những cân nhắc luôn khiến Mỹ phải thận trọng về vấn đề xung đột vũ trang với Iran vẫn luôn tồn tại. Giả dụ xảy ra cuộc tấn công quân sự nào vào Iran, ngay cả khi ở quy mô nhỏ, đều có thể dẫn đến giao tranh kéo dài và chắc chắn sẽ bao trùm toàn bộ khu vực. Bất kỳ cuộc tấn công nào của Mỹ vào các mục tiêu của Iran đều có khả năng khiến cuộc đối đầu Israel - Hezbollah vốn đang ở mức độ tương đối hạn chế có thể leo thang thành cuộc chiến toàn diện. Có thực tế không thể chối cãi rằng Iran đã vươn mình trỗi dậy với tư cách là “ông lớn” trong khu vực với năng lực quốc phòng ngày càng mạnh, đặc biệt máy bay không người lái có vũ trang.
THƯ LÊ