Mỹ và thế khó mới ở Trung Đông

.

Cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Houthi ở Yemen nhằm đáp trả hành vi của lực lượng này trên Biển Đỏ không chỉ đánh dấu bước ngoặt kịch tính mới trong xung đột ở Trung Đông mà còn là sự tiếp nối trong chuỗi dài các chính sách “lùng bùng” của phương Tây ở khu vực, trong đó vẫn chưa thể xử lý vấn đề địa chính trị cấp bách nhất: xung đột Israel-Palestine.

Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy, mục tiêu ở sân bay Hodeida (Yemen) bị phá hủy sau cuộc không kích của Mỹ và Anh. Ảnh: AFP
Ảnh vệ tinh do Maxar Technologies cung cấp cho thấy, mục tiêu ở sân bay Hodeida (Yemen) bị phá hủy sau cuộc không kích của Mỹ và Anh. Ảnh: AFP

Chuyển động mới của Mỹ

AP dẫn thông báo của Bộ Chỉ huy Trung Đông của Lực lượng Không quân Mỹ cho biết, loạt cuộc không kích của liên quân Mỹ-Anh cuối tuần qua nhắm vào hàng chục mục tiêu ở Yemen, gồm cả thủ đô Sanaa, cảng chính Hodeida và Saada, quê hương của người Houthi ở tây bắc nước này. Houthi là lực lượng dân quân vũ trang đang kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen sau cuộc nội chiến gay gắt kéo dài gần một thập niên. Đây là diễn biến tiếp nối cho thấy Mỹ đã hết kiên nhẫn với việc Houthi phớt lời cảnh báo của nước này khi không ngừng tấn công các tàu thương mại vốn được cho có liên hệ với Israel ở eo biển chiến lược Bab el-Mandeb trên Biển Đỏ. Ngoài ra, Houthi cũng thực hiện tấn công rải rác về phía Israel.

Sau cuộc tấn công của Mỹ - Anh, Yahya Saree, người phát ngôn của Houthi cho biết nhóm này sẽ mở rộng tấn công ở Biển Đỏ và bất kỳ cuộc tấn công nào của liên minh quốc tế vào Yemen sẽ thúc đẩy đòn đáp trả vào tất cả tàu thuyền đi qua Bab el-Mandeb. Mỹ và Anh bảo vệ tính hợp pháp của cuộc tấn công Houthi và tuyên bố sẽ không do dự thực hiện biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ dòng chảy thương mại qua Biển Đỏ, trong khi Nga và Trung Quốc cáo buộc các nước phương Tây này đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

The Citizen dẫn lời tiến sĩ Khoa học chính trị Mahad Darar tại Đại học bang Colorado (Mỹ) cho rằng, các cuộc tấn công của Mỹ vào Houthi sẽ có tác động sâu rộng không chỉ đối với lực lượng phiến quân này và cuộc nội chiến ở Yemen, mà còn đối với khu vực rộng lớn hơn nơi Mỹ đang có các đồng minh chủ chốt. Điều đáng nói là sẽ có nghịch lý tiềm tàng rằng Houthi sẽ thu được lợi ích chính trị từ các cuộc tấn công của Mỹ-Anh vốn có thể phản tác dụng khi gợi lại ký ức về sự can thiệp quân sự của phương Tây vào thế giới Hồi giáo và Arab. Houthi lâu nay tuyên bố, họ tấn công Biển Đỏ dưới danh nghĩa ủng hộ người Hồi giáo Palestine, bao gồm Hamas và gây sức ép buộc Israel phải “xuống nước” ở Gaza. Thêm vào đó, Houthi có thể đổ lỗi cho các cuộc tấn công của phương Tây đang gây thêm bất ổn ở Yemen, qua đó lực lượng này sẽ huy động thêm sự ủng hộ của công chúng ở nước này và giành được lợi thế chiến lược. Nếu những dự đoán này thành hiện thực thì kịch bản đáng lo nhất có thể xảy ra tại Yemen: khơi dậy cuộc nội chiến.

Trong khi đó, các nước phương Tây đang chia rẽ về cách thức ứng phó với Houthi. Ý, Tây Ban Nha và Pháp gây chú ý khi không tham gia vào các cuộc không kích bất ngờ này và không ký tuyên bố chung nhằm biện minh cho các cuộc không kích này.

Iran nâng tầm ảnh hưởng

Ở góc nhìn khác, trong bài viết của mình trên tờ The Guardian ngày 13-1, nhà báo Simon Tisdall nhận định, việc Mỹ, được Anh hậu thuẫn, buộc phải sử dụng vũ lực để đáp trả Houthi càng cho thấy đòn bẩy chính trị của Mỹ đang suy yếu, chính sách ngoại giao kém hiệu quả bởi Houthi vẫn công khai không chùn bước. Sự leo thang căng thẳng và không có hồi kết này làm nổi bật một thực tế mà phương Tây không hề mong muốn, đó là: quyền lực thống trị ở Trung Đông không còn là Mỹ, Ai Cập, Saudi Arabia hay thậm chí là Israel, mà chính là Iran, đồng minh chính của Houthi, đang ngồi ở “ghế lái”.

Thực tế, Houthi chỉ là một phần của “Trục kháng chiến” vốn là liên minh gồm các thực thể được Iran hậu thuẫn, gồm cả Hezbollah và  Hamas tại Trung Đông. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, Houthi ít nhiều có sự liên kết với các nhóm vũ trang khác ở Lebanon, Iraq và Syria. Iran đang theo đuổi 3 mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại: tạo sức ép buộc Mỹ hạn chế can dự vào Trung Đông; duy trì tính ưu việt trong khu vực; và tăng cường các liên minh chủ chốt với Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, việc ứng phó với Israel, dù thực tế hay khoa trương, cũng chỉ là mục tiêu thứ cấp.

Với tầm hiểu biết có tính chiến lược hơn so với trước đây, Iran đã thực hiện các động thái thực tế để hàn gắn quan hệ với các nước vùng Vịnh vào năm ngoái, trong đó có bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia thông qua vai trò trung gian của Trung Quốc. Iran đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc và Nga, và chính điều này, hơn những yếu tố khác, đã làm thay đổi vận mệnh của Iran, khiến nước này trở thành một cường quốc mới đáng chú ý trong khu vực sau 45 năm nỗ lực. Xung đột ở Ukraine và hiệp ước hợp tác “không giới hạn” Trung-Nga trước đây là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi này. Giờ đây, Mỹ, Anh và Israel lại phải đối mặt với một Iran đang trỗi dậy mạnh mẽ vốn một phần của “tam giác mới” trong ngoại giao đa phương (cùng với Nga và Trung Quốc).

Ông Biden gặp rắc rối

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối mặt với cáo buộc vi phạm Nghị quyết Quyền lực chiến tranh 1973 liên quan đến vụ không kích mục tiêu Houthi tại Yemen. Một số nghị sĩ cho rằng ông Biden đã ra lệnh không kích mà chưa được sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ.

Nghị quyết này có nội dung chính hạn chế khả năng của Tổng thống Mỹ trong khởi xướng hoặc leo thang hành động quân sự ở nước ngoài. Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ giải thích, nghị quyết chỉ thị rằng trước tiên Quốc hội phải được hỏi ý kiến “trong mọi trường hợp có thể” trước khi một tổng thống Mỹ đưa quân đội nước này tham gia chiến sự ở nước ngoài.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.