Năm 2024, khí hậu có thể tồi tệ hơn

.

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình trong năm 2024 có thể phá vỡ kỷ lục của năm 2023, năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay.

Sự nóng lên của trái đất bắt đầu vào giữa thập niên 1970 khi nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu tăng vượt quá mức biến thiên của tự nhiên. Sau thập niên 1960, trái đất đều ấm hơn và thập niên 2010 giữ kỷ lục ấm nhất. Theo nhận định của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), 2023 là năm nóng nhất trong 100.000 năm qua bởi đã phá vỡ mọi kỷ lục khi nhiệt độ trung bình hàng năm vượt quá mức tiền công nghiệp (1850-1900) tới 1,45oC.

Sức nóng khủng khiếp do biến đổi khí hậu đã gây ra những hậu quả tàn khốc. Hơn 11.300 người chết và ít nhất 10.000 người mất tích trong thảm họa lũ lụt sau khi cơn bão Daniel quyét qua thành phố Derna (Lybia) tháng 9-2023. Tại Mỹ, vụ cháy rừng thảm khốc khiến ít nhất 115 người thiệt mạng và 388 người mất tích trong tháng 8-2023.

Kỷ lục nắng nóng cực đoan này được giới khoa học giải thích bằng 3 thông số: hiện tượng khí hậu chuyển dịch từ La Nina sang El Nino bắt đầu vào mùa Xuân năm 2023; vụ phun trào núi lửa Tonga ở Thái Bình Dương; và khối lượng phát thải khí hiệu ứng nhà kính do con người gây ra đã bắt đầu từ đầu năm 2022, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn kéo dài cho đến nay, đặc biệt lượng hơi nước khổng lồ thoát ra.

Đáng chú ý, báo cáo của WMO công bố tháng 11-2023 còn cho thấy hiểm họa nghiêm trọng do nắng nóng cực đoan gây ra là nồng độ của 3 loại khí gây hiệu ứng nhà kính không mất đi mà đang lưu giữ nhiệt lâu nhất. Carbon dioxide (CO2), methane và nitrous oxide (N2O) đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2022 và đang tiếp tục tăng vào năm 2023. Điều đó tạo tiền đề cho năm 2024 nhảy vọt lên nấc thang tiếp theo, có lẽ cao hơn 1,4oC so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, với khả năng nhiệt độ có thể vượt quá 1,5oC mà các nhà khoa học dự báo trước đây. Thậm chí, tại hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu tháng 9-2023, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, nếu không hành động sớm, nhiệt độ toàn cầu có thể nhanh chóng leo lên thêm 2,8oC. Lãnh đạo WMO, bà Celeste Saulo, cảnh báo hệ quả của sự tăng nhiệt độ này sẽ khiến khí hậu trái đất năm 2024 vượt ngưỡng năm 2023 và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử.

Thực tế, một khi nhiệt độ tăng thì sự tan chảy của băng trên đất liền (sông băng và các tảng băng ở Greenland và Nam Cực) dẫn đến sự mở rộng các đại dương. Diện tích băng tối thiểu năm 2023 thấp hơn 20% so với mức trung bình trong 30 năm qua. Lượng băng biển mất đi tương đương gấp gần 10 lần diện tích lãnh thổ New Zealand. Ước tính, trong điều kiện hiện tại, mực nước biển trung bình toàn cầu có khả năng tăng từ 8-29 cm vào năm 2030, trong đó các khu vực xích đạo phải hứng chịu nhiều nhất.

Mặt khác, nhiệt độ toàn cầu tăng lên sẽ nhanh chóng làm thay đổi mô hình thời tiết và gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các đợt nắng nóng sẽ trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở nhiều nơi trên thế giới, với thời gian kéo dài hơn và nhiệt độ cao nhất cũng sẽ xác lập kỷ lục mới. Mưa lớn và bão, lũ lụt cũng trở nên phổ biến hơn ở một số vùng. Cùng với đó, tình trạng cháy rừng sẽ diễn ra ở nhiều nơi với mức độ nghiêm trọng hơn.

Rõ ràng, nhân loại đang đối mặt với tình huống nghiêm trọng, và việc ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ là nhiệm vụ mỗi quốc gia mà là thách thức mang tính toàn cầu cần có sự hợp tác và hành động kịp thời. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết: “Điều này sẽ gây ra những tác động sâu rộng đối với sức khỏe, an ninh lương thực, quản lý nước và môi trường. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.