Nhật Bản bộn bề nỗi lo sau động đất

.

Thay vì vui mừng chào đón ngày đầu năm mới 2024, Nhật Bản hứng chịu trận động đất mạnh 7,6 độ khiến hàng chục người thiệt mạng và gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Lực lượng cứu hộ vẫn khẩn trương chạy đua với thời gian để tìm kiếm người sống sót.

Một tòa nhà bị hư hại tại Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) sau trận động đất ngày 1-1. Ảnh: KYODO
Một tòa nhà bị hư hại tại Wajima, tỉnh Ishikawa (Nhật Bản) sau trận động đất ngày 1-1. Ảnh: KYODO

Ngày 1-1, trận động đất với cường độ 7,6 độ làm rung chuyển khu vực miền trung Nhật Bản. Tâm chấn nằm gần thành phố Wajima ở bán đảo Nato, phía tây tỉnh Ishikawa. Theo Japan Times, tính đến 17 giờ ngày 2-1, có ít nhất 48 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương. Số thương vong có thể tiếp tục tăng khi công tác cứu hộ gặp khó khi tiếp cận những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất. Tính đến sáng 2-1, ít nhất 45.000 hộ dân vẫn mất điện và hầu hết người dân phía bắc bán đảo Noto lâm vào cảnh mất nước.

Cảnh báo về dư chấn mạnh

“Cứu người là ưu tiên hàng đầu và chúng tôi đang chiến đấu với thời gian để giải cứu ngay lập tức những người bị mắc kẹt”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp khẩn cấp ngày 2-1. Hơn 3.000 nhân viên cứu hộ  được triển khai đến các khu vực bị ảnh hưởng ở bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa. Tuy nhiên, điều đáng lo là lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận cực bắc bán đảo Noto do hệ thống đường sá đã bị phá hủy trên diện rộng. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đồng loạt gửi lời chia buồn với Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, nước này sẵn sàng cung cấp mọi trợ giúp cần thiết cho nước Đông Bắc Á.

Tính đến sáng 2-1, trận động đất gây ít nhất 140 dư chấn tại tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dỡ bỏ cảnh báo về sóng thần dọc theo bờ biển phía tây Nhật Bản nhưng phát cảnh báo miền trung nước này có thể hứng chịu động đất với cường độ cực mạnh trong tuần tới; đồng thời kêu gọi người dân cảnh giác trước những cơn dư chấn mạnh có thể xảy ra. Đồng nhận định, Reuters dẫn lời bà Susan Hough, chuyên gia địa chấn học của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, cảnh báo: “Một trận động đất lớn như thế này sẽ tiếp tục có dư chấn. Nó có thể dễ dàng gây ra các dư chấn lớn hơn 6 độ, vì vậy bản thân nó sẽ là một mối nguy hiểm”. Bà Hough cho rằng, hầu hết người dân có thể chưa từng trải qua cơn địa chấn ở quy mô mạnh như thế này. Các chuyên gia khác cảnh báo, tình hình vẫn còn “bấp bênh và khó lường” bởi các trận động đất khác đã xảy ra trước thảm họa động đất mạnh 9 độ gây sóng thần vào tháng 3-2011 ở đông bắc Nhật Bản với dư âm và nỗi ám ảnh vẫn còn được cảm nhận cho đến tận ngày nay.

Dù số thương vong tiếp tục tăng dần nhưng những cảnh báo được chuyển kịp thời đến công chúng, thông qua phương tiện truyền thông, cũng như phản ứng nhanh chóng từ chính người dân và giới chức dường như đã kiểm soát được ít nhất một số thiệt hại. Nỗ lực cứu hộ nhanh chóng, chuyên nghiệp của lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và quân đội là minh chứng cho thấy quốc gia này đã quen với việc nhiều lần chống chọi với những thảm họa vốn gần như đã trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày. Toshitaka Katada, giáo sư chuyên về thảm họa tại Đại học Tokyo, cho biết, người dân đã luôn trong tâm thế chuẩn bị sẵn sàng vì khu vực này đã phải hứng chịu nhiều trận động đất trong những năm gần đây. Họ đã có kế hoạch sơ tán và bảo đảm nguồn cung cấp khẩn cấp. “Có lẽ không có dân tộc nào trên trái đất ngoài người Nhật sẵn sàng ứng phó với thảm họa như vậy,” ông chia sẻ với AP.

Nỗi lo đối với công nghiệp hạt nhân

Trận động đất cũng xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản vốn vấp phải sự phản đối gay gắt của một số người dân địa phương kể từ thảm họa động đất và sóng thần năm 2011. Tuần trước, giới chức nước này dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với nhà máy hạt nhân lớn nhất thế giới Kashiwazaki-Kariwa, vốn đã ngừng hoạt động kể từ thảm họa năm 2011.

Cơ quan chức năng đang theo dõi sát sao mức độ an toàn tại các lò phản ứng hạt nhân trong khu vực sau trận động đất. Cơ quan Quản lý hạt nhân không phát hiện thấy bất thường nào tại các nhà máy hạt nhân dọc bờ biển Nhật Bản, bao gồm 5 lò phản ứng đang hoạt động tại các nhà máy Ohi và Takahama của Công ty Điện lực Kansai ở tỉnh Fukui. Nhà máy Shika của Hokuriku Electric, nhà máy gần tâm chấn nhất trong trận động đất lần này, cũng đã ngừng hoạt động kể từ năm 2011. Công ty cho biết, đã có một số lần mất điện và rò rỉ dầu sau trận động đất ngày 1-1 nhưng không xảy ra tình trạng rò rỉ phóng xạ.

Công ty trước đó cho biết sẽ khởi động lại lò phản ứng này vào năm 2026. Tương tự, nhà sản xuất thiết bị chip Kokusai Electric đang điều tra thêm sau khi phát hiện một số thiệt hại tại nhà máy ở Toyama trước khi hoạt động trở lại theo kế hoạch vào ngày 4-1. Các công ty bao gồm Sharp, Komatsu và Toshiba cũng đang kiểm tra tình tình tại các nhà máy của họ trong khu vực.

THƯ LÊ

Máy bay Nhật Bản bốc cháy
Ngày 2-1, máy bay chở 379 người và 12 thành viên phi hành đoàn của Japan Airlines bốc cháy trên đường băng tại sân bay Haneda (Tokyo). Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn được sơ tán an toàn khỏi máy bay. Sở cứu hỏa Tokyo cho biết, máy bay này đã va chạm với một phi cơ của Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản (JCG) đang chuẩn bị cất cánh. Theo NHK, 5 người trên phi cơ cảnh sát biển “mất tích” sau sự cố. Sự việc gây sự chú ý bởi Nhật Bản không ghi nhận bất cứ sự cố hàng không nghiêm trọng nào trong hàng chục năm qua.
Thủ tướng Chính phủ gửi điện thăm hỏi
Được tin trận động đất-sóng thần xảy ra tại tỉnh Ishikawa và khu vực lân cận miền trung Nhật Bản, gây tổn thất lớn về người và tài sản, ngày 2-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi điện thăm hỏi tới Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng gửi điện thăm hỏi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kamikawa Yoko. Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, chưa có thông tin thương vong người Việt trong trận động đất. Những nhóm người Việt mà Đại sứ quán kết nối được đều an toàn, trong đó hầu hết đã trở về nhà. TTXVN

 

;
;
.
.
.
.
.