Quan hệ Nga-Triều và nỗi lo của phương Tây

.

Kể từ đầu năm 2023, quan hệ giữa Nga và Triều Tiên liên tiếp có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 9-2023 và việc hai nước ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng toàn diện vào tháng 12-2023.

Đáng chú ý, chuyến thăm Nga mới đây của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui được kỳ vọng sẽ mở đường cho chuyến thăm Bình Nhưỡng của Tổng thống Nga Vladimir Putin sau hơn hai thập niên, kể từ chuyến thăm cuối cùng vào tháng 7-2000. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao nước này cho biết, chuyến thăm là một phần trong quá trình triển khai trên thực tế thỏa thuận đạt được tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử Triều Tiên - Nga vào tháng 9-2023 và là bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển đáng tin cậy trong quan hệ chiến lược và định hướng tương lai giữa hai nước.

Giới quan sát cho rằng, Nga và Triều Tiên đang mong muốn xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Triều Tiên đang dần mở cửa lại sau khoảng 3 năm đóng cửa biên giới chống Covid-19 và cũng muốn tìm kiếm công nghệ mới để phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa và công nghệ vũ trụ. Mặt khác, sau những đổ vỡ tại thượng đỉnh Mỹ-Triều, bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng và gần đây Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ tất cả cơ chế hợp tác liên Triều. Trong khi đó, Nga đang tập hợp mọi nguồn cung cấp quân sự và hỗ trợ quốc tế trong bối cảnh xung đột tại Ukraine vẫn kéo dài cũng như cuộc đối đầu với phương Tây ngày càng gia tăng trên hầu hết lĩnh vực.

Bruce W. Bennett, nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao tại tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái RAND Corporation (Mỹ), cho rằng, những động thái tăng cường quan hệ gần đây giữa Nga và Triều Tiên, đặc biệt về quốc phòng, làm dấy lên mối lo ngại đối với các nước phương Tây. Đây không phải là liên kết bình thường bởi cả Nga và Triều Tiên đều có thực lực quân sự hùng mạnh, năng lực răn đe hạt nhân và mối quan hệ không mấy tốt đẹp với thế giới phương Tây vốn do Mỹ dẫn dắt. Trước tham vọng mở rộng hai mặt trận chiến lược gồm “châu Âu - Đại Tây Dương” và “châu Á - Thái Bình Dương” của Mỹ, việc hình thành liên kết Nga - Triều được xem là giải pháp ứng phó tất yếu của hai nước này.

Ở góc nhìn khác, cựu nhân viên tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Rebekah Koffler chia sẻ với đài Fox News rằng, việc quan hệ Nga - Triều Tiên được siết chặt sẽ là bài toán chiến lược lớn cho Mỹ và đồng minh. Ông cho rằng, cuộc gặp lần này là “lời thách thức rõ ràng” gửi tới phương Tây. Koffler nói: “Hai đối thủ hàng đầu của Mỹ và phương Tây đang hợp tác, mở rộng hợp tác quân sự. Nga đang sở hữu công nghệ hiện đại hàng đầu về công nghệ vũ trụ và vũ khí hạt nhân. Nếu Nga quyết định chia sẻ các công nghệ này cho Triều Tiên thì Mỹ sẽ gặp bất lợi, chưa kể hai nước này cũng có mối quan hệ rất gắn bó với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga có thể thúc đẩy Trung Quốc mở rộng quan hệ kinh tế với Triều Tiên nhằm tránh bị mất ảnh hưởng trước Nga.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây tỏ ra bất bình về sự nồng ấm của mối quan hệ Nga-Triều và hết sức lo ngại Nga có thể gián tiếp hỗ trợ chương trình hạt nhân Triều Tiên bằng cách cung cấp cho nước này công nghệ tên lửa mới cũng như biện pháp đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa của các đối thủ.
Gần đây, Nga và Triều Tiên đều nói rằng những lời chỉ trích của Mỹ và các đồng minh về việc Triều Tiên bị nghi ngờ chuyển giao vũ khí cho Nga đã bị chính trị hóa và bóp méo; đồng thời nói rằng mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên sẽ đạt đến “giai đoạn mới và cao hơn”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Triều Tiên là nước láng giềng và đối tác thân cận nhất của chúng tôi, những người mà chúng tôi đang phát triển và có ý định phát triển hơn nữa quan hệ đối tác trong mọi lĩnh vực”.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.