Singapore với dự án lấn biển táo bạo

.

Singapore đang lên kế hoạch thực hiện dự án Long Island với các đảo nhân tạo có diện tích 800ha ngoài khơi bờ biển phía đông để bảo vệ đất nước trước tác động của nước biển dâng. Kế hoạch táo bạo này có thể đáp ứng nhu cầu của đất nước trong vòng 50 năm tới.

Theo Channel News Asia, với quy mô dự án lấn biển lên tới 800ha, gấp đôi diện tích đất liền của Vịnh Marina hiện nay, Long Island có thể có dạng những dải đất như những hòn đảo nhân tạo nằm cách bờ biển phía đông một khoảng cách kéo dài từ Đông Marina đến Tanah Merah. Điều này sẽ tạo vùng nước khép kín, có thể là hồ chứa nước ngọt, phía trước Công viên Bờ Đông. Long Island sẽ tạo thêm khoảng 20km công viên ven biển và hồ chứa mới.

Dự án lần đầu tiên được đưa ra trong Kế hoạch Định hướng năm 1991, kế hoạch sử dụng đất và giao thông chiến lược thứ hai của Singapore. Thủ tướng Lý Hiển Long đề cập Long Island nhân ngày Quốc khánh năm 2019 và nó đã được Cơ quan Tái phát triển đô thị (URA) trưng bày tại cuộc triển lãm năm 2023. Các nghiên cứu kỹ thuật và tác động tới môi trường của dự án được tiến hành từ năm 2024 và dự án có thể mất vài thập niên để phát triển.

Ngăn tác động của nước biển dâng

Bảo vệ bờ biển  trước nguy cơ nước biển dâng là mục đích trọng tâm của dự án Long Island. Trên website, URA cho biết, các đảo nhân tạo có thể xây cao hơn so với phần đất liền nội địa, tạo thành “tuyến phòng thủ” trước mực nước biển dâng cao. Các nghiên cứu cho thấy, do biến đổi khí hậu, mực nước biển trung bình sẽ dâng lên tới 1m vào năm 2100. Kết hợp với thủy triều dâng cao và nước dâng do bão có thể xảy ra, mực nước biển có thể tăng từ 4 đến 5m, đe dọa các bờ biển ở vùng trũng của Singapore. Khoảng 1/3 diện tích Singapore có độ cao trung bình âm 5m so với mực nước biển. Ảnh hưởng của nước biển dâng tại Công viên Bờ Đông, công viên lớn nhất Singapore, với chiều dài khoảng 13km  được cảm nhận rõ ràng. Năm 2018 và tháng 1-2024, nhiều khu vực trong công viên đã bị ngập do mưa và thủy triều dâng cao.

Năm 2019, Thủ tướng Lý Hiển Long cảnh báo, nước biển dâng là mối đe dọa nghiêm trọng với Singapore và biện pháp bảo vệ bờ biển có thể tốn khoảng 75 tỷ USD trở lên trong 100 năm tới. Kể từ năm 2021, Singapore nghiên cứu các khu vực khác nhau của bờ biển. Tháng 9-2023, nước này lập trung tâm nghiên cứu bảo vệ bờ biển và quản lý lũ lụt. Các cơ quan chính phủ từng đưa ra giải pháp xây tường chắn biển cao 3m dọc theo toàn bộ bờ biển, được hỗ trợ bởi các cửa ngăn thủy triều và trạm bơm. Bức tường khả thi về mặt kỹ thuật nhưng không lý tưởng với Công viên Bờ Đông vì phải hy sinh một phần đáng kể công viên cũng như hạn chế khả năng tiếp cận bãi biển cho mục đích giải trí và thể thao. Do đó, chính quyền quyết định chọn Long Island như giải pháp tối ưu hơn.

“Một mũi tên trúng hai đích”

Tiến sĩ Woo Jun Jie, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách (IPS), cho biết Long Island sẽ là “một mũi tên trúng hai đích” đối với các nhà quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách trong việc giải quyết mực nước biển dâng cao và tạo thêm không gian sống ven biển. “Việc duy trì và tạo ra các không gian xung quanh Công viên Bờ Đông là đặc biệt quan trọng, vì đất ven biển rất có giá trị và mang lại những cơ hội giải trí và lối sống độc đáo”, ông Woo cho biết. Về mặt tác động của quy hoạch dân số đối với môi trường, Tiến sĩ Woo cho biết, tác động sẽ không lớn vì khu dân cư ở Long Island chứa số lượng nhà ở tương đối nhỏ. Các nhà phân tích tài sản cho biết, có khả năng 60.000 tài sản công và tư sẽ được xây dựng trên địa điểm này.

Mô tả Long Island là kế hoạch táo bạo, Tiến sĩ Leong Chan-Hoong, người đứng đầu bộ phận phát triển chính sách, đánh giá và phân tích dữ liệu tại Verian, cho rằng việc triển khai thành công dự án này có thể giúp Singapore tiếp tục tiến hành kế hoạch bảo vệ các khu vực khác của đất nước chống lại tác động của mực nước biển dâng cao. Giáo sư Sing Tien Foo, Trưởng khoa Bất động sản tại Trường kinh doanh thuộc Đại học quốc gia Singapore, cho rằng, phần đất mở rộng từ dự án Long Island có thể đáp ứng nhu cầu lâu dài của Singapore ít nhất trong 30-50 năm tới.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.