Thỏa thuận mới có thời hạn 20 năm giữa Nga và Iran không chỉ có thể thay đổi cục diện của Trung Đông mà còn cho thấy Nga đang từng bước lấy lại vị thế quan trọng của mình ở khu vực địa chính trị xung yếu này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi trong cuộc gặp ở Tehran vào năm 2022. Ảnh: AP |
Xích lại gần hơn với Iran
Nga đang tăng cường quan hệ với Iran cả về chính tri, kinh tế và quốc phòng-an ninh. Điều này cũng dễ hiểu bởi Iran đang được xem là cường quốc của khu vực và đang rơi vào vòng xoáy căng thẳng với Mỹ, nhất là trong bối cảnh cả Nga và Iran cùng hứng chịu những đòn trừng phạt chưa từng có của Mỹ và các đồng minh.
Theo AP, nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới, thỏa thuận hợp tác 20 năm giữa hai nước vừa được lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei chính thức phê chuẩn. Nó sẽ thay thế thỏa thuận 10 năm được ký vào tháng 3-2001 và nay được mở rộng không chỉ về thời gian mà còn về phạm vi và quy mô, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng một cách sâu rộng.
Trong đó đáng chú ý, Nga giành quyền khai thác đầu tiên ở khu vực biển Caspian thuộc chủ quyền của Iran, bao gồm cả các mỏ trên đất liền và ngoài khơi, ước tính có khoảng 48 tỷ thùng dầu và 290 nghìn tỷ feet khối (tcf) khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, việc trao đổi hàng hóa, cả trang thiết bị quân sự, bao gồm việc tăng cường các tên lửa hiện đại từ Nga tới Iran và năng lượng, cũng đã được chính thức hóa trong thỏa thuận mới đối với hàng hóa xuất khẩu sang Nga, Iran sẽ nhận được chi phí sản xuất cộng thêm 8%. Tuy nhiên, doanh số xuất khẩu này sang Nga sẽ không được chuyển sang Iran mà sẽ được giữ dưới dạng tín dụng tại Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Ngược lại, Iran sẽ được nhận những ưu đãi trong một số lĩnh vực khác. Việc mở rộng hợp tác quân sự giữa Iran và Nga đứng đầu danh sách là việc nâng cấp các sân bay và cảng biển của Iran theo hướng lưỡng dụng mà Nga coi là tốt nhất cho lực lượng không quân của mình như Hamedan, Bandar Abbas, Chabahar và Abadan.
Trang oilprice.com đánh giá, thỏa thuận mới giữa Iran và Nga sẽ thay đổi cục diện của Trung Đông, Nam Âu vì Iran sẽ có tầm ảnh hưởng quân sự được mở rộng hơn nhiều, giúp họ có nhiều đòn bẩy hơn trong việc đưa ra các yêu cầu chính trị trên toàn khu vực đó.
Những thành công trong chính sách đối với Trung Đông
Do vị thế địa chính trị, kể từ sau Thế chiến 2, khu vực Trung Đông luôn là địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Liên Xô trước đây. Tuy nhiên, kể từ đầu thập niên 1990, Nga kế thừa những thành quả nhưng không đủ tiềm lực để “chốt chặn”, nên Mỹ trở thành cường quốc độc tôn ở Trung Đông.
Đầu thế kỷ 21, chính sách của Nga đối với Trung Đông được thể hiện trong những văn bản đối ngoại quan trọng nhất, trong đó có “Học thuyết chính sách đối ngoại của Nga” được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn ngày 28-6-2000. Học thuyết xác định, sử dụng quy chế là nước đồng bảo trợ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, Nga sẽ tích cực tham gia giải quyết khủng hoảng, sẽ cố gắng làm ổn định tình hình ở Trung Đông, kể cả vùng Vịnh và nhiệm vụ ưu tiên của Nga sẽ là khôi phục và củng cố vị thế của mình, đặc biệt là về kinh tế ở khu vực rất quan trọng đối với lợi ích của Nga. Cũng từ đó đến nay, chính sách Trung Đông của Nga đạt những thành công nổi bật, từng bước giúp gia tăng vai trò, vị thế của Nga tại khu vực phức tạp này.
Đáng chú ý, khi cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố vô cùng khốc liệt như Al-Qaeda và Tổ chức Nhà nước tự xưng (IS), đáp lời kêu gọi của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, năm 2014, Nga “bất ngờ” đưa quân sang nước này, lập nên căn cứ cả không quân, lục quân và hải quân hùng mạnh ở khu vực mà lâu nay Mỹ nắm vai trò chủ đạo. Những thành công của Nga trong việc can dự trực tiếp vào cuộc chiến Syria đã nhanh chóng “mở đường” cho Nga tăng cường, cải thiện, nâng cao quan hệ với các nước Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Arab Saudi, Qatar và cả Israel.
Với chính sách “làm bạn với tất cả” của Nga ở Trung Đông đã có từ lâu trước khi cuộc chiến ở Syria diễn ra, song chính những hành động quân sự quyết đoán và hoạt động chính trị - ngoại giao tích cực của Nga ở Syria đã khiến vai trò, vị thế của Nga được nâng cao trên trường quốc tế nói chung, ở Trung Đông nói riêng. Nga nổi lên với hình ảnh cường quốc “có trách nhiệm”, nhà trung gian hòa giải các xung đột và kiến tạo hòa bình. Và hơn hết, Nga xác lập chỗ đứng ở Trung Đông như là một trong những nhân tố chủ chốt, cho dù Mỹ đã và đang tìm mọi cách đẩy Nga ra khỏi khu vực này.
LÊ MINH HÙNG