Thụy Điển rộng đường vào NATO

.

Thụy Điển rộng đường vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề nghị kết nạp của nước này trong khi Hungary có động thái “bật đèn xanh”.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan gặp nhau tại Lithuania vào tháng 10-2023. Ảnh: AA
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải), Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan gặp nhau tại Lithuania vào tháng 10-2023. Ảnh: AA

Quyết định nói trên giúp Thụy Điển vượt qua một trong những rào cản lớn nhất trong hành trình gia nhập NATO, sau hơn 20 tháng trì hoãn. Sau khi “vượt ải” Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển sẽ phải thuyết phục Hungary làm điều tương tự để trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn dắt.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý?

Theo AP, ngày 23-1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển sau hơn 4 giờ đồng hồ tranh luận căng thẳng. Trong bước quy trình chỉ mang tính thủ tục còn lại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dự kiến ký thông qua quyết định nói trên trong vài ngày tới để hợp thức hóa quá trình phê duyệt cho Thụy Điển. Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hoan nghênh đây là diễn biến tích cực giúp Thụy Điển tiến gần thêm một bước đến mục tiêu trở thành thành viên của NATO. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhận định: “Thụy Điển là đối tác mạnh, có năng lực quốc phòng và việc nước này gia nhập NATO sẽ giúp Mỹ và liên minh nói chung an toàn hơn, mạnh mẽ hơn”.

Để nhận được cái gật đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển đã thực hiện các bước đi thực chất, trong đó dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời tiến hành cải cách hiến pháp, thông qua luật chống khủng bố mới, giúp xoa dịu phần nào lo ngại an ninh của nước này. Điều cũng không kém phần quan trọng là việc Mỹ thúc đẩy thương vụ bán tiêm kích F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ để củng cố sức mạnh quân sự, cùng với cam kết của Canada về dỡ lệnh cấm vận vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc nước này không làm khó đường vào NATO của Thụy Điển. Đối với riêng bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan, thỏa thuận F-16 được xem như canh bạc chính trị vốn cực kỳ quan trọng để thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri trước thềm cuộc bầu cử địa phương vào tháng 3-2024.

Theo giới quan sát, bước đi lần này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chọc giận Nga bởi năm ngoái Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ là “quốc gia không thân thiện” sau một loạt động thái gây khó chịu, trong đó có cam kết tạo điều kiện để Thụy Điển vào NATO.

Tháng 5-2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO, đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát. Những gì được cho là quy trình tiến hành nhanh chóng, song hành với Phần Lan vào NATO đã trở thành một hành trình khó chịu đối với Thụy Điển khi chỉ có Phần Lan được kết nạp vào khối vào tháng 4-2023, giúp đường biên giới của NATO với Nga tăng gấp đôi.

Hungary “bật đèn xanh”

Đến thời điểm này, Hungary là thành viên duy nhất trong số 30 nước thuộc NATO chưa phê chuẩn kết nạp Thụy Điển. Liệu Hungary bây giờ có đi theo sự dẫn dắt của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chấp thuận gia nhập của Thụy Điển không? Theo Atlantic Council, trong tín hiệu lạc quan mới nhất, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã mời người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson thăm Budapest để thương lượng việc kết nạp. Trong lá thư gửi ông Kristersson, ông Orbán hứa hẹn về cuộc đối thoại chính trị chuyên sâu hơn, góp phần củng cố lòng tin lẫn nhau giữa hai nước; đồng thời cùng trao đổi quan điểm hợp tác an ninh và quốc phòng trong tương lai với tư cách là đồng minh và đối tác tin cậy. Dự kiến, Quốc hội Hungary sẽ triệu tập trở lại vào ngày 26-2 để thảo luận kế hoạch này.

Trong khi Hungary chưa đặt ra bất cứ yêu cầu công khai ngoài sự bất mãn với thái độ xa cách của Thụy Điển, giới quan sát cho rằng, hợp đồng sắp được gia hạn và có thể mở rộng về việc Hungary thuê các máy bay chiến đấu JAS Gripen của Thụy Điển cũng có thể là một quân bài đàm phán giữa hai nước. Nếu Hungary sớm hoàn tất việc phê chuẩn của mình, Thụy Điển nhiều khả năng trở thành thành viên chính thức thứ 32 của NATO trước khi tổ chức này kỷ niệm 75 năm thành lập vào ngày 4-4.

Việc gia nhập NATO đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho Thụy Điển sau nhiều thập niên duy trì chính sách không liên kết quân sự. Bên cạnh đó, với tiềm lực quân sự to lớn, quốc gia Bắc Âu này sẽ tạo sự bổ sung đáng kể cho sức mạnh trên biển và trên không của NATO ở Biển Baltic và cực Bắc vào thời điểm quan trọng đối với an ninh châu Âu. Trong khi đó, Nga từng cảnh báo sẽ đáp trả nếu NATO củng cố cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển và Phần Lan. Trong động thái cứng rắn mới nhất, ngày 24-1, Nga chấm dứt thỏa thuận tạo điều kiện hợp tác xuyên biên giới với Phần Lan.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.