Tổng thống Putin tăng tốc chiến dịch tái tranh cử

.

Ngày 17-1, Tổng thống Vladimir Putin tới nơi đặt “đại bản doanh” chiến dịch vận động tranh cử của ông ở Gostiny Dvor (Moscow) để khởi động chiến dịch tái tranh cử. Đây là sự kiện tranh cử đầu tiên của ông với tư cách là ứng cử viên tổng thống trong lúc chiến dịch bầu cử bước vào giai đoạn “nóng”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu thập được 2,5 triệu chữ ký ủng hộ của cử tri trên khắp đất nước. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu thập được 2,5 triệu chữ ký ủng hộ của cử tri trên khắp đất nước. Ảnh: TASS

Ông Putin đang được tiếp thêm sinh lực và đang hy vọng kéo dài thời gian cầm quyền 24 năm thêm 6 năm nữa nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 17-3.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng

Theo TASS, Tổng thống Putin đang tranh cử với tư cách là một ứng cử viên tự ứng cử. Theo luật pháp Nga, các ứng cử viên độc lập cần thu thập ít nhất 300.000 chữ ký ủng hộ từ 40 khu vực trở lên, nhưng không quá 7.500 chữ ký ở mỗi khu vực. Trong khi đó, ngày 17-1, Văn phòng tranh cử của Tổng thống Putin cho biết, tính đến thời điểm này, ông đã thu thập được 2,5 triệu chữ ký ủng hộ của cử tri trên khắp đất nước, vượt xa mức tối thiểu bắt buộc, qua đó cho thấy người dân Nga luôn dành sự tin tưởng, ủng hộ cao cho nhà lãnh đạo 71 tuổi này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Nếu muốn, vẫn có thể thu thập thêm gấp nhiều lần nhiều chữ ký ủng hộ cho Tổng thống Putin bởi vì mức độ ủng hộ dành cho ông cũng như mức độ đoàn kết trong xã hội, bao gồm nhiều nhóm tuổi khác nhau, khó có thể bị phóng đại”.

Trước đó, vào ngày 17-12-2023, Đại hội đảng Nước Nga Thống nhất lần thứ 21 nhất trí ủng hộ việc Tổng thống đương nhiệm Putin tự ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Trụ sở chính của ông Putin với tư cách là ứng viên tổng thống bắt đầu hoạt động từ ngày 21-12-2023. Hiện, các khu vực tiếp tục chuyển các tài liệu đã thu thập được đến đó, việc thu thập chữ ký được thực hiện bởi các tình nguyện viên, là đại diện của phong trào Mặt trận Nhân dân và Đảng Nước Nga Thống nhất.

Năm 2021, Tổng thống Putin đã ký ban hành luật cho phép ông tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ, một khi nhiệm kỳ hiện tại của ông kết thúc vào năm 2024. Luật này được cho là mở đường để ông Putin có thể tiếp tục làm tổng thống Nga tới năm 2036, qua đó có thể giúp ông nắm quyền lâu hơn Joseph Stalin.

Tâm thế tự tin

Theo giới quan sát, Nga vẫn chưa có một gương mặt sáng giá nào có thể cạnh tranh với Tổng thống đương nhiệm Putin. Ủy ban bầu cử đã phê chuẩn 3 ứng cử viên cho cuộc bỏ phiếu được đề cử bởi các đảng có đại diện trong Quốc hội và do đó không bắt buộc phải thu thập chữ ký. Tuy nhiên, không ai trong số họ đặt ra thách thức đáng kể cho ông Putin. Đáng chú ý, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với ông Putin đều tăng dần qua mỗi đợt bầu cử. Ông Putin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2000 với 53% phiếu bầu, sau đó tỷ lệ này tăng mạnh trong cuộc bầu cử năm 2004 với 71,3% phiếu bầu. Sau khi để cách một nhiệm kỳ, ông Putin trở lại Điện Kremlin nhờ chiến thắng với 63,6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2012 và 76,7% năm 2018.

Euro News suy đoán, sự kiểm soát chặt chẽ đối với hệ thống chính trị của Nga mà ông Putin đã thiết lập trong 24 năm nắm quyền khiến cho việc tái đắc cử của ông gần như được bảo đảm. Ông coi sự ổn định của nước Nga là trọng tâm trong di sản của mình và ông đã tìm cách đảm bảo đối với đa số người Nga rằng, trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nền kinh tế Nga vẫn vững chắc và cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình thường.

Tổng thống Putin bước vào năm 2024 với sự tự tin khi ông đang cảm nhận được rằng mình có thể chiếm thế thượng phong trong một trận đấu với một đối thủ rất đáng gờm. Tất nhiên, đối thủ mạnh mà Nga đang ứng phó không phải là Ukraine mà là toàn bộ bộ máy quân sự phương Tây, theo quan điểm của Điện Kremlin. Sự sụp đổ về kinh tế Nga mà nhiều người ở phương Tây suy đoán trước đó đã không bao giờ thành hiện thực. Trên thực tế, kinh tế Nga đang tăng trưởng cao quá mức do chi tiêu quân sự chưa từng có, với GDP tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới; tiền lương tăng ở mức kỷ lục và tỷ lệ người nghèo giảm mạnh, trở lại mức bình quân. Chế độ chính trị hiện cũng ổn định hơn bao giờ hết.

Liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống Nga, ngày 17-1, Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, nhấn mạnh, tình hình an ninh tại đại sứ quán và các cơ quan lãnh sự của Nga tại Mỹ là rất đáng lo ngại khi thường xuyên xảy ra các cuộc biểu tình và hành động khiêu khích của những phần tử quá khích tại địa điểm gần cơ quan ngoại giao Nga. Do đó, Đại sứ quán Nga hy vọng trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, cơ quan chức năng Mỹ sẽ cấm biểu tình và tăng cường các biện pháp an ninh xung quanh các cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự quán Nga; thực hiện cam kết về nguyên tắc dân chủ và có các biện pháp cần thiết để bảo đảm công dân Nga sinh sống tại Mỹ có quyền bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới. Cử tri Nga tại Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 17-3 tại 3 điểm bỏ phiếu: Đại sứ quán Nga ở thủ đô Washington, Tổng Lãnh sự quán Nga tại các thành phố New York và Houston.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.