Triều Tiên điều chỉnh chính sách đối ngoại

.

Triều Tiên kêu gọi xây dựng các biện pháp pháp lý để xác định Hàn Quốc không phải là đối tác của hòa giải và thống nhất, trong khi tuyên bố phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Nga trong mọi lĩnh vực.

Thông điệp cứng rắn của Triều Tiên

Ngày 16-1, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo nước này đã quyết định đóng cửa các cơ quan phụ trách vấn đề liên Triều. Quyết định trên được đưa ra tại kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Tối cao (SPA - tức Quốc hội) khóa XIV ngày 15-1. Theo đó, Triều Tiên bãi bỏ hoạt động của hàng loạt cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều, bao gồm Ủy ban Tái thống nhất hòa bình, Cục Hợp tác kinh tế quốc gia và Cục Du lịch quốc tế Kumgangsan. Đây vốn là những cơ quan được thành lập để tạo điều kiện cho đối thoại liên Triều, triển khai đàm phán và hợp tác song phương.

Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội Triều Tiên ngày 15-1, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi thực hiện các biện pháp pháp lý để xác định Hàn Quốc không phải là đối tác của hòa giải và thống nhất. Ông Kim Jong-un nhấn mạnh, tiếp tục tìm kiếm hòa giải với Hàn Quốc là “sai lầm”. Ông Kim Jong-un đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng sẽ không công nhận đường biên giới trên biển thực tế giữa hai nước - Đường giới hạn phía bắc (NLL); đồng thời đề nghị chấm dứt trao đổi giữa hai miền.

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol lên tiếng chỉ trích động thái của Triều Tiên. Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Hàn Quốc tuyên bố nếu Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích, Seoul sẽ đáp trả “mạnh hơn gấp nhiều lần”. Đề cập đến tuyên bố của Triều Tiên về NLL, ông Yoon Suk Yeol cho rằng, Bình Nhưỡng đang thực hiện một “sự khiêu khích chính trị” nhằm chia rẽ Hàn Quốc và khiến người dân trở nên lo lắng.

Nga-Triều phát triển quan hệ đối tác toàn diện

Trong khi đó, theo KCNA, phái đoàn Chính phủ Triều Tiên do Ngoại trưởng Choe Son Hui dẫn đầu đã thăm Nga từ ngày 15 đến 17-1 theo lời mời của người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, Nga sẽ phát triển quan hệ đối tác với Triều Tiên trong mọi lĩnh vực và duy trì tiếp xúc ở mọi cấp. Ông nhấn mạnh, Triều Tiên là nước láng giềng gần gũi, là đối tác mà Nga phát triển quan hệ và chủ trương tiếp tục phát triển quan hệ đối tác trong mọi lĩnh vực. Ông nêu rõ đây là định hướng chung mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nhất trí trong cuộc gặp tại sân bay vũ trụ Vostochny hồi tháng 9-2023. Ông cũng khẳng định đối thoại ở tất cả các cấp giữa hai nước tiếp tục được duy trì. Ngoài ra, ông Peskov cũng cho biết dự kiến Tổng thống Putin có thể đến thăm Triều Tiên trong tương lai gần.

Cũng trong ngày 15-1, các quan chức Triều Tiên và Nga có cuộc gặp tại Bình Nhưỡng để thảo luận việc mở rộng hợp tác về kinh tế, khoa học và công nghệ nhằm thực hiện các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được hồi tháng 9.

Theo Sputnik, ông Artyom Lukin, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, nhận định chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới Moscow là bằng chứng cho thấy sự tiến bộ trong phát triển quan hệ giữa Nga và Triều Tiên. Theo ông Lukin, Triều Tiên cũng có động lực nghiêm túc để nối lại quan hệ với Nga. Động lực này xuất phát từ việc Hàn Quốc tiếp tục xây dựng tiềm lực quân sự của mình, quan hệ giữa nước này và Mỹ ngày càng được củng cố và liên minh ba bên đang được hình thành giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.