Trung Quốc và "nền kinh tế bạc"

.

Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng, trong khi các nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh dường như không thành công, quốc gia này vừa công bố kế hoạch tái định hướng một phần quan trọng trong nền kinh tế khổng lồ xoay quanh nhóm dân số “tóc bạc”.

Một hội chợ việc làm tổ chức vào tháng 6-2023 tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Một hội chợ việc làm tổ chức vào tháng 6-2023 tại Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Vừa qua, Chính phủ Trung Quốc công bố loạt giải pháp thúc đẩy “nền kinh tế bạc”, trong đó kêu gọi doanh nghiệp thuộc cả khối tư nhân lẫn nhà nước cùng tham gia chăm sóc tốt hơn cho người cao tuổi. Nước này cũng công bố kế hoạch phát triển 10 khu công nghiệp và tăng thêm khoản đầu tư công và tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ hướng tới nhóm dân số cao niên.

Tài liệu chính sách đầu tiên

Theo số liệu của Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR), quy mô “nền kinh tế bạc” hiện nay của Trung Quốc ước tính khoảng 7.000 tỷ Nhân dân tệ (982 tỷ USD), chiếm khoảng 6% tổng GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho tới năm 2035, quy mô này dự kiến tăng lên 30.000 tỷ Nhân dân tệ (4.200 tỷ USD), tương đương khoảng 10% tổng GDP khi đó.

Cũng theo số liệu thống kê mới nhất do Chính phủ Trung Quốc công bố, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên có khoảng 297 triệu người vào năm 2023, chiếm khoảng 21,1% tổng dân số của nước này. Nếu căn cứ theo các tiêu chí của Ngân hàng thế giới, Trung Quốc đã là “xã hội siêu già”. Nhóm nhân khẩu học này dự kiến tăng lên hơn một nửa tỷ người vào năm 2050.

Trong các tài liệu chính sách mới nhất, Chính phủ Trung Quốc đề ra 26 định hướng chỉ đạo trên 4 lĩnh vực chính nhằm bảo đảm mọi nhu cầu, ngay cả những nhu cầu mới phát sinh của người lớn tuổi, cũng sẽ được đáp ứng. Trong đó, từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông minh, hoạch định tài chính cho đến nỗ lực làm chậm lại hoặc thậm chí là đảo ngược xu thế già hóa dân số. Ngay cả việc thúc đẩy phát triển các loại thuốc hay mỹ phẩm nhằm đối phó với các bệnh của người già cũng được nêu ra trong bộ quy tắc chỉ đạo này.

Đây là tài liệu chính sách đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc được đưa ra nhằm giải quyết cụ thể các nhu cầu trong tương lai của nhóm nhân khẩu học cao niên đang gia tăng ở tầm mức quốc gia. Dù vậy, những kế hoạch thúc đẩy “nền kinh tế bạc” này được đề cập lần đầu tiên từ năm 2022, khi Chính phủ Trung Quốc vạch ra mục tiêu cũng như tiêu chuẩn để vận động toàn xã hội cùng chủ động ứng phó với tình trạng già hóa dân số.

Khoảng trống đáng lưu ý

Tuy nhiên, Time nhận ra có một vấn đề đã không được đề cập trong tài liệu chính sách chính thức đầu tiên dành cho nhóm dân số già, đó là sự gia tăng vai trò của nhóm nhân khẩu học này trong lực lượng lao động Trung Quốc. Với nhiều nước có dân số tổng thể giảm mạnh, lực lượng lao động cao niên được trông cậy như giải pháp quan trọng để duy trì năng suất quốc gia. Chẳng hạn, theo phân tích của công ty tư vấn Bain & Company, đến năm 2031, tại nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, khoảng 150 triệu việc làm sẽ được chuyển qua cho nhóm lao động từ 55 tuổi trở lên.

Chính phủ Trung Quốc trước đây đề xuất nâng theo lộ trình độ tuổi nghỉ hưu. Hiện, độ tuổi nghỉ hưu của quốc gia tỷ dân này vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới là 60 tuổi với nam giới và 55 tuổi với nữ giới (nhóm ngành văn phòng) và 50 tuổi với phụ nữ làm việc tại các nhà máy. Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng tiến nhanh hơn tới sự mất cân đối về nhân khẩu học nếu vấn đề này không được giải quyết thích đáng. Nếu điều đó xảy ra, đây thực sự sẽ là sự khủng hoảng đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là thách thức lớn và thực tiễn nếu nhìn vào tỷ lệ thất nghiệp đang khá cao ở nhóm người trẻ và khủng hoảng thị trường bất động sản dường như vẫn chưa thể giải quyết xong.

Bài toán việc làm cho người trẻ
Không phải ngẫu nhiên khi giới chuyên gia cho rằng, dù già hóa dân số là vấn đề lớn với Trung Quốc nhưng tình trạng thất nghiệp ở người trẻ thậm chí còn là vấn đề lớn hơn nhiều. Tháng 4-2023, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ở nước này đạt mức cao kỷ lục khi có tới 20,4% lao động trong độ tuổi từ 16 đến 24 không thể tìm việc. Thách thức này sẽ lớn hơn theo thời gian khi sẽ có thêm số lượng lớn tân cử nhân tham gia thị trường lao động. Sau khi Chính phủ Trung Quốc tạm ngưng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từ tháng 7-2023 nhưng tới ngày 17-1, họ công bố lại tỷ lệ này. Sau khi sử dụng nhiều tiêu chí tính toán khác nhau, tỷ lệ đó đã giảm đáng kể.

Số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho biết, tỷ lệ thất nghiệp trong người trẻ độ tuổi 16-24 vào tháng 12-2023 là 14,9%. Với nhóm tuổi từ 25-29 ở cùng giai đoạn, tỷ lệ này còn thấp hơn, chỉ là 6,1%. Dù vậy, bài toán việc làm cho người trẻ vẫn là thách thức khi trong năm nay khi số cử nhân tốt nghiệp dự kiến tăng gần 2%, lên mức kỷ lục là 11,79 triệu người, theo Tân Hoa xã. Để so sánh, số cử nhân ra trường này cao gấp 4 lần kể từ năm 2004.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.