Vẫn chưa lạc quan với kinh tế thế giới năm 2024

.

Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) dự báo kinh tế thế giới sẽ tiếp tục trải qua một năm ảm đạm thứ ba liên tiếp nữa khi vẫn đang chống chọi với rất nhiều “làn gió ngược”.

Một tàu chở hàng đi qua vùng biển thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 26-12-2023. Ảnh: AP
Một tàu chở hàng đi qua vùng biển thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc vào ngày 26-12-2023. Ảnh: AP

Đó là bức tranh tổng quan về kinh tế thế giới trong năm 2024 được phác ra trong báo cáo công bố ngày 9-1 của WB. Tổ chức tài chính quốc tế này nhận định, kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng 2,4% trong năm nay do lãi suất và lạm phát tiếp tục tăng cao, kinh tế Trung Quốc, động lực cho kinh tế thế giới, vẫn chưa phục hồi mạnh mẽ.

Tăng trưởng yếu trong ngắn hạn

Có thể thấy, dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới mà WB vừa đưa ra thậm chí còn thấp hơn mức 2,6% của năm 2023 hay 3% của năm 2022, và bị “bỏ xa” với mức 6,2% của năm 2021 vốn là năm ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới sau giai đoạn suy thoái vì Covid-19.

Không khó để nhận ra những căng thẳng địa chính trị toàn cầu, trong đó nổi bật là hai cuộc xung đột vẫn chưa hạ nhiệt: Israel-Hamas và Nga - Ukraine, đã đặt ra những nguy cơ rõ rệt gây ảnh hưởng kinh tế thế giới, thậm chí còn có thể kéo sâu hơn nữa mức dự báo tăng trưởng vốn đã rất khiêm tốn lần này của WB. Bên cạnh đó, giới chuyên gia WB cũng bày tỏ lo ngại về việc các nước nghèo vốn đang lún sâu trong nợ công có thể sẽ không đủ nguồn lực để có những khoản đầu tư cần thiết cho chống biến đổi khí hậu và nghèo đói. “Mức tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn duy trì ở mức yếu, đẩy nhiều nước đang phát triển, đặc biệt những nước nghèo nhất rơi vào thế bế tắc không lối thoát khi nợ nần ở mức “tê liệt” và có tới gần 1/3 dân số không có đủ nguồn lương thực cần thiết”, nhà kinh tế trưởng của WB Indermit Gill nhận định.

WB cho rằng, 20 quốc gia thuộc khối đồng tiền chung euro sẽ chỉ đạt được tăng trưởng 0,7% trong năm nay, mức tăng khiêm tốn nhất so với tỷ lệ 0,4% trong năm ngoái. Nhật Bản, nền kinh tế lớn ở Đông Á, có thể chỉ tăng 0,9% trong năm nay, bằng một nửa so với năm 2023.

Vẫn có hy vọng

Mặc dù chỉ ra những thách thức rất cụ thể, song các tác giả của báo cáo cũng lưu ý rằng trong những năm qua, kinh tế thế giới đã chứng tỏ khả năng đứng vững được trước các cú sốc lớn liên tục xảy đến như: Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát toàn cầu tăng trở lại và lãi suất tăng cao khi các ngân hàng trung ương cố gắng đưa các mức tăng giá cả hàng hóa trở lại tầm kiểm soát.

WB cho biết, năm 2023, kinh tế thế giới cũng tăng trưởng nhanh hơn 0,5 điểm % so với dự báo do chính tổ chức này đưa ra trước đó và kết luận “nguy cơ suy thoái toàn cầu đã rút đi”. Năm 2023, Mỹ có mức tăng trưởng cao hơn 1,4 điểm % so với dự báo WB đưa ra hồi giữa năm khi đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 là 2,5%. Dù vậy, WB vẫn dự báo thận trọng trong năm nay khi nhận định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ tăng trưởng 1,6% do lãi suất cao hơn đang làm giảm động lực của cả người đi vay lẫn phía đầu tư.

Kể từ tháng 3-2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 11 lần. Những nỗ lực trầy trật này đã giúp hạ lạm phát của Mỹ từ mức cao nhất trong 4 thập niên vào giữa năm 2022 xuống còn gần mức mục tiêu là 2% của FED. Lãi suất cao cũng đã giúp “thuần hóa” lạm phát toàn cầu. Đó là lý do để WB dự báo lạm phát trung bình năm nay sẽ hạ xuống 3,7% từ mức 5,3% của năm ngoái và dự kiến còn giảm tiếp 3,4% trong năm 2025 (dù vẫn còn cao hơn so với các mức trung bình trước Covid-19).

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, động lực dẫn dắt của kinh tế toàn cầu, được WB dự báo sẽ có tăng trưởng 4,5% trong năm nay và 4,3% trong năm 2025, vẫn đều thấp hơn mức 5,2% của năm 2023. Cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao trong người trẻ, dân số già hóa, nhu cầu tiêu dùng giảm là những lý do chính. Những dự báo kém lạc quan về kinh tế Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới nhận định của WB về tăng trưởng của các nước có quan hệ giao thương lớn với Trung Quốc, đặc biệt là những nước đối tác xuất khẩu hàng hóa chính như Nam Phi (sản xuất than đá) và Chile (xuất khẩu đồng)…

Cước phí vận tải biển tăng 250%
Theo The National, giá cước vận tải biển đi qua Biển Đỏ đã tăng kể từ khi lực lượng Houthi của Yemen bắt đầu tấn công tàu thuyền thương mại đi qua đây từ cuối tháng 11-2023. Giới chuyên gia cho rằng, những hỗn loạn đang diễn ra có thể làm tăng lạm phát toàn cầu. Cụ thể, theo Chỉ số container thế giới của Drewry (Drewry World Container Index), cước phí vận chuyển 1 container 40 feet từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua hải trình chính tăng lên khoảng 4.000 USD hiện nay. Đây là mức tăng 248% so với cước phí 1.148 USD từ ngày 21-11-2023, thời điểm bắt đầu ghi nhận các cuộc tấn công của Houthi, và tăng 140% so với mức cước phí 1.667 USD vào ngày 23-12-2023. Drewry World Container Index là công cụ theo dõi cước phí vận chuyển container qua 8 lộ trình chính đến và đi giữa Mỹ, châu Âu và châu Á. Ở diễn biến liên quan, CNBC ngày 9-1 cho biết, Houthi vừa tiến hành loạt tấn công quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.