Vì sao Ecuador rơi vào bất ổn nghiêm trọng?

.

Ecuador đang rơi vào tình trạng khủng hoảng và bất ổn nghiêm trọng khi lần đầu tiên phải đối diện với những hoạt động khủng bố vô cùng nguy hiểm do các băng đảng ma túy tiến hành. Tình hình này cũng gây lo ngại khắp khu vực Nam Mỹ.

Cảnh sát Ecuador tuần tra tại Quito, sau khi Tổng thống ban bố tình trạng xung đột vũ trang trong nước ngày 9-1. Ảnh: Tân Hoa xã
Cảnh sát Ecuador tuần tra tại Quito, sau khi Tổng thống ban bố tình trạng xung đột vũ trang trong nước ngày 9-1. Ảnh: Tân Hoa xã

Người dân Ecuador vô cùng bất an khi lần đầu tiên chứng kiến sự kiểm soát của các băng đảng tội phạm, một số phận mà trước đây chỉ dành cho một số nước láng giềng Mỹ Latinh khác.

Tình trạng “xung đột vũ trang trong nước”

Theo AP, ngày 9-1, trong bối cảnh Ecuador quay cuồng trước sức mạnh ngày càng tăng của các băng nhóm tội phạm. Tổng thống Daniel Noboa ban bố tình trạng “xung đột vũ trang trong nước”; đồng thời khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn cho người dân và nhất quyết sẽ không thương lượng với tội phạm xuyên biên giới. Trước đó, ngày 8-1, ông ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 60 ngày.

Những ngày qua, các video đăng trên mạng xã hội cho thấy làn sóng bạo lực do các băng đảng tội phạm ma túy tiến hành gây ra nhiều vụ nổ bom, đốt xe hơi, tấn công có vũ trang nhằm vào các siêu thị, đài truyền hình và trường đại học, bắt cóc con tin ở nhiều nơi trên toàn quốc, đặc biệt là tại thành phố biển Guayaquil, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng, trong đó có cả cảnh sát. Hàng trăm nhân viên bảo vệ trại giam và hành chính đang bị các tù nhân bắt làm con tin tại ít nhất 5 nhà tù toàn quốc.

Tình hình tại Ecuador cũng gây lo ngại khắp khu vực. Các nước láng giềng Peru và Colombia lên kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự và kiểm soát dọc biên giới chung với Ecuador. Từ ngày 10-1, Trung Quốc tạm thời đóng cửa Đại sứ quán và các tổng lãnh sự quán của nước này tại Ecuador. Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình ở Ecuador và sẵn sàng hợp tác với chính phủ  nước Nam Mỹ này để giải quyết bạo lực nhưng loại trừ khả năng hỗ trợ quân sự.

Nguyên nhân gốc rễ

Rõ ràng, căn nguyên của bạo lực leo thang tuần này chính là việc tội phạm khét tiếng Macías, thủ lĩnh của một trong những băng nhóm đáng sợ nhất ở Ecuador, trốn thoát khỏi nhà tù ngày 7-1. Chính phủ Ecuador cho biết, bạo lực lần này nhằm phản ứng trước kế hoạch của ông Noboa về xây dựng hai nhà tù mới với biện pháp an ninh chặt chẽ hơn để giam giữ thủ lĩnh các băng đảng, cùng với ý định kéo dài thời hạn tù. Tuy nhiên, để hiểu vì sao Ecuador lại rơi vào khủng hoảng an ninh nghiêm trọng lần này thì cần xem xét nhiều nguyên nhân gốc rễ.

Theo CNN, Ecuador, quê hương của quần đảo Galapagos và nền kinh tế đồng USD thân thiện với khách du lịch, từng được biết đến là “hòn đảo hòa bình”, nằm giữa hai nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới là Peru và Colombia. Tuy nhiên, ông Renato Rivera thuộc Cơ quan quan sát tội phạm có tổ chức của Ecuador giải thích, chính nền kinh tế theo hướng toàn cầu hóa của Ecuador, với khả năng tiếp cận các thị trường ở châu Á và châu Âu nhưng kiểm soát an ninh kém ở các cảng, đã khiến nước này trở thành trung tâm buôn bán cocaine trên toàn thế giới. Ecuador xuất khẩu khoảng 1 triệu container/năm và hoạt động thương mại này mang lại vỏ bọc hoàn hảo cho chuyến hàng ma túy. Trong khi đó, lực lượng an ninh của nước này không được chuẩn bị kỹ càng về trang thiết bị, đào tạo và chiến lược ứng phó. Chưa kể, các cáo buộc tham nhũng đã len lỏi vào hệ thống an ninh và tư pháp.

Giới chuyên gia theo dõi các nhóm tội phạm ở Mỹ Latinh cho rằng, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ecuador trước hết là kết quả trực tiếp của nhu cầu ma túy luôn tăng cao, hầu như ở một số nước giàu. Chẳng hạn, nhu cầu heroin và cocaine ngày càng tăng của Mỹ dẫn đến việc trồng cây thuốc phiện cũng như sản xuất heroin và cocaine tăng nhanh ở Mexico và Bolivia. Thứ hai, có “hiệu ứng bong bóng” có thể quan sát được. Khi các băng đảng từ Colombia, Mexico, Brazil, Venezuela và các nước láng giềng khác bị đẩy ra ngoài do thị trường ma túy địa phương suy giảm thì họ sẽ đổ xô đến Ecuador, nơi lực lượng an ninh thiếu kinh nghiệm ứng phó tội phạm. Một yếu tố tác động khác là “cách tiếp cận quân sự hóa” đối với chính cuộc chiến chống ma túy. Dù cần có phản ứng mạnh mẽ ngay lập tức nhưng nếu chuyển sang chính sách an ninh hoàn toàn dựa trên đàn áp thì chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn về lâu dài khi chu kỳ bạo lực có thể tiếp tục.

Do đó, giải pháp căn cơ chính là các nhà chức trách phải loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong Chính phủ Ecuardor vốn dẫn đến các băng đảng nắm quyền kiểm soát các nhà tù và nhiều thành phố cảng; đồng thời phải tạo hệ thống tư pháp phá vỡ mọi mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức và một số lực lượng thực thi pháp luật có dấu hiệu tham nhũng. Ivan Briscoe, Giám đốc Nhóm Khủng hoảng quốc tế tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nói bóng gió thực trạng này khi cho rằng: “Đưa vào tù ở Ecuador có nghĩa là đưa đến nhà của một tổ chức tội phạm đằng sau song sắt”. Chuyên gia này lưu ý, nghèo đói đã dẫn đến sự xuất hiện của các băng đảng vũ trang gồm toàn những người trẻ tuổi vốn không có nhiều lựa chọn cho bản thân khi thiếu tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm. “Sự bất bình đẳng sâu sắc luôn là nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng chiêu mộ người vào các nhóm tội phạm. Rất khó để ai đó nói về hòa bình và an ninh khi họ đang đói”. Bị mắc kẹt giữa khó khăn kinh tế, tống tiền và nỗi lo trở thành nạn nhân của tội phạm bạo lực, nhiều người Ecuador đã chọn cách di cư đến các nước khác, có thể “góp phần” vào khủng hoảng di cư ở Mỹ nếu mọi thứ tiếp tục vượt tầm kiểm soát”.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.