Tuần qua đánh dấu sự kiện quan trọng đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi xúc tiến cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh với trọng tâm ở Bắc Âu.
Tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn USS Gunston Hall (Mỹ) hướng tới châu Âu ngày 24-1, khởi động cuộc tập trận. Ảnh: Hải quân Mỹ |
Cuộc tập trận mang tên Steadfast Defender 2024 (tạm dịch: “Người bảo vệ kiên định”) sẽ kéo dài đến tháng 5-2024, với sự tham gia của khoảng 90.000 binh sĩ, cao nhất từ trước đến nay. Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO ở châu Âu kể từ năm 1988, khi đó hơn 125.000 binh sĩ tổ chức huấn luyện khắp lục địa trong những ngày bất ổn cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Được chuẩn bị kỹ lưỡng trong vài năm, Steadfast Defender 2024 nêu bật khả năng của NATO trong việc triển khai lực lượng nhanh chóng từ Bắc Mỹ và các khu vực khác của liên minh để củng cố khả năng phòng thủ của châu Âu.
Sự dịch chuyển trọng tâm có chủ ý
Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu Christopher Cavoli nhấn mạnh, cuộc tập trận nhằm thể hiện năng lực củng cố khu vực châu Âu - Đại Tây Dương thông qua hoạt động di chuyển lực lượng xuyên Đại Tây Dương từ Bắc Mỹ một cách nhanh chóng. Việc tăng cường này sẽ diễn ra trong một “kịch bản xung đột mới nổi được mô phỏng với một đối thủ gần ngang hàng”. Theo Reuters, NATO sẽ tập trận mô phỏng quá trình quân đội Mỹ tăng viện trợ cho các đồng minh châu Âu giáp Nga, cũng như các quốc gia ở sườn phía đông của liên minh này. Theo đó, một loạt tập trận nhỏ sẽ diễn ra trên phạm vi kéo dài từ Bắc Mỹ đến sườn phía đông của NATO, gần biên giới Nga.
Bên cạnh số binh sĩ tham gia kỷ lục, sự kiện năm nay thu hút sự chú ý bởi trọng tâm tiến hành tập trận. Trong quá khứ, trọng tâm của các cuộc tập trận của NATO hầu như chỉ ở Đông Âu. Năm 2018, trọng tâm chuyển sang Nam Âu và Địa Trung Hải và đến năm nay là ở Bắc Âu. Đây là khu vực đang có xu hướng mở rộng các cơ chế hợp tác tiểu khu vực đến khu vực Biển Baltic vốn thuộc vành đai phòng thủ phía đông mà NATO đang tăng cường lực lượng.
Điểm đến đầu tiên của tàu tấn công đổ bộ cỡ lớn USS Gunston Hall của Hải quân Mỹ sau khi rời bờ biển phía đông của Mỹ sẽ là Na Uy, nơi đón các binh sĩ đến từ Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan (đều là những nước ở Bắc Âu) để tham gia tập trận. Lộ trình này cho thấy sự sắp đặt có chủ ý của NATO khi Phần Lan hiện là thành viên NATO và Thụy Điển sắp sửa gia nhập tổ chức này. Hiện, bảy trong số tám quốc gia Bắc Cực nằm dưới cùng “một chiếc ô an ninh” của NATO.
Đáng chú ý, cuộc tập trận có nội dung triển khai lực lượng phản ứng nhanh của NATO đến Ba Lan, quốc gia nằm ở vùng phía đông của liên minh, và cũng là quốc gia giáp Nga. Các điểm chính khác của cuộc tập trận sẽ là những quốc gia vùng Baltic (khu vực cạnh tranh mới nổi giữa NATO và Nga), Đức (trung tâm tiếp viện) và các quốc gia ở rìa của NATO như Na Uy hay Romania.
Tính thời điểm đáng chý ý
Không phải ngẫu nhiên NATO tổ chức tập trận quy mô lớn nhất trong hơn 35 năm qua sau thời gian dài gián đoạn do can thiệp vào các cuộc xung đột kéo dài hao tổn nguồn lực ở Iraq và Afghanistan. Năm nay sẽ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO với hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn tại Washington D.C (Mỹ) vào tháng 7-2024. Trước thềm hội nghị này, một cuộc tập trận quân sự lớn như vậy sẽ truyền tải thông điệp về tính hữu ích và thích ứng của liên minh. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên sáng giá trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 liên tục chất vấn tính hiệu quả khi Mỹ dồn sức củng cố NATO.
Trong khi đó, đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden hầu như chưa mang lại bất kỳ ý tưởng hoặc sáng kiến mới nổi bật nào để củng cố sức mạnh liên minh trong thời điểm này. Do đó, cuộc tập trận này sẽ là lời nhắc nhở rằng NATO vẫn đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích Mỹ. Ngoài ra, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, cuộc tập trận như gửi lời răn đe trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ bên ngoài, và cũng là cách trấn an tinh thần các quốc gia thành viên vẫn còn hoài nghi về cam kết bảo vệ của NATO. Ngày 26-1, Arab News dẫn lời chuyên gia Luke Coffey, thành viên cao cấp tại Viện Hudson (Mỹ), lý giải, mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra xem NATO có thể phản ứng như thế nào nếu một trong các thành viên của tổ chức này bị tấn công.
Phản ứng của Nga Cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 khiến giới quan sát nhìn thấy gần hơn bóng dáng của tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trở lại. Sự lo ngại này một lần nữa được phía Nga nhắc lại, sau lần đầu là khoảng nửa năm trước đó. Theo đó, TASS dẫn lời bà bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, nói: “Cuộc tập trận mang tính khiêu khích một cách công khai. Bước đi này có chủ đích nhằm làm trầm trọng thêm tình hình, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố quân sự và cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả cho châu Âu. Bằng cách này, liên minh cố gắng biện minh cho sự tồn tại của mình trong mắt hàng triệu người dân châu Âu và Mỹ, cũng như chương trình nghị sự nhằm kiềm chế Nga, biện minh cho sự gia tăng mạnh trong chi tiêu quân sự, và tất nhiên, theo một cách nào đó, đánh lạc hướng dư luận”. |
THƯ LÊ