"Vị vua mới" của thị trường ô-tô toàn cầu

.

Trung Quốc chắc chắn đã vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô-tô lớn nhất thế giới nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở Nga và sự bùng nổ tiêu thụ xe điện toàn cầu.

Trung Quốc đã trở thành “vị vua mới” của thị trường ô-tô toàn cầu. Sự chuyển đổi sang ô-tô điện đã giúp các nhà sản xuất Trung Quốc có khả năng đạt được hai cột mốc quan trọng: đánh bại những đối thủ thống trị một thời và khiến các nhà sản xuất truyền thống ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ hết sức lo lắng.

Bùng nổ thị trường xe điện

Thị trường nội địa giảm tốc và cạnh tranh khắc nghiệt hơn hiện đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô-tô Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào xuất khẩu. CNN dẫn thông báo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc ngày 9-1 cho biết, doanh số bán ô-tô ở nước ngoài của Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục vào năm 2023, trên đà vượt Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô-tô lớn nhất thế giới và đánh dấu sự thay đổi trong ngành công nghiệp toàn cầu. Ước tính, 5,26 triệu phương tiện, gồm xe khách, xe buýt và xe tải, sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu trong năm 2023, tăng 56% so với năm 2022, với tổng giá trị là 102 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản, dự kiến xuất xưởng 4,3 triệu ô-tô cùng kỳ, thấp hơn gần 1 triệu chiếc so với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc nhanh chóng vươn lên dẫn đầu có thể là nhờ ngành công nghiệp xe điện vượt trội, chất lượng ô-tô liên tục cải thiện với lợi thế về công nghệ và “khả năng sử dụng tốt kỹ thuật sản xuất” và mong muốn của các nhà sản xuất trong nước hướng đến tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn ở nước ngoài và bù đắp áp lực chi phí trong nước. 

Năm 2021, xuất khẩu ô-tô của Trung Quốc tăng vọt nhờ lượng xuất khẩu xe điện tăng vọt của nước này. Năm đó, lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt 103% lên 2,2 triệu chiếc, qua đó vượt Hàn Quốc để trở thành nước xuất khẩu ô-tô lớn thứ ba thế giới và tiếp tục vượt Đức để giành vị trí thứ hai, sau Nhật Bản, vào một năm sau đó. 2023 là năm tiêu biểu đối với xe điện Trung Quốc, vốn rẻ hơn so với các mẫu xe do đối thủ ở nơi khác sản xuất và họ đã xâm nhập thành công vào thị trường châu Âu, Úc và Đông Nam Á. Năm 2023, xuất khẩu ô-tô khách tăng 62% so với năm 2022, trong đó hơn 1/4 là xe điện.

Các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt khi nền kinh tế trong nước mất đà năm 2023. Tháng 1-2023, Tesla giảm giá trong nước để thu hút khách hàng và ngăn chặn tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Động thái này dẫn đến “cuộc chiến giá”. Hàng chục nhà sản xuất ô-tô nối gót xu hướng này để duy trì tính cạnh tranh, qua đó thúc đẩy doanh số bán hàng nhưng đe dọa lợi nhuận toàn ngành. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường quốc tế, tháng 12-2023, BYD (Trung Quốc) thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy ô-tô điện đầu tiên của châu Âu ở Hungary.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn không từ bỏ ô-tô chạy bằng xăng. Một phần của sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc cũng là kết quả của buôn bán xe động cơ đốt trong (ICE) sang Nga. Trong 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ICE của Trung Quốc sang Nga tăng 545% lên 840.000 chiếc so với năm trước, khiến nơi đây trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất. Các doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng tận dụng khoảng trống sau sự ra đi của hàng trăm thương hiệu toàn cầu, đa phần của phương Tây, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Các hãng xe ngoại gặp khó

Thành công của Trung Quốc được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch trong nước sang xe điện, trong khi các nhà sản xuất ô-tô nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản, chậm chạp tung ra các mẫu ô-tô điện mới tại Trung Quốc, và đang phải xoay xở để duy trì sự hiện diện tại thị trường béo bở này.

Volkswagen báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc tăng 1,6%, đặc biệt là doanh số bán xe điện tăng 23%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng đó đã tụt lại so với phần còn lại của thị trường ô-tô Trung Quốc, vốn tăng lần lượt 5,6% và 36%, theo Financial Times. Volkswagen từng là thương hiệu ô-tô lớn nhất Trung Quốc nhưng đã đánh mất vị trí dẫn đầu vào năm 2023 vào tay BYD, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc được Berkshire Hathaway của Warren Buffett hậu thuẫn. Công ty đa quốc gia của Đức cam kết đầu tư 5,5 tỷ USD để củng cố chiến lược của mình tại Trung Quốc, đồng thời đầu tư 700 triệu USD cho 5% cổ phần của Xpeng, một công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc chuyên sản xuất các mẫu xe cao cấp giống Tesla. Tương tự, các nhà sản xuất ô-tô Nhật Bản như Mitsubishi cũng than vãn doanh số bán hàng tại Trung Quốc sụt giảm năm 2023. Mitsubishi công bố sẽ đình chỉ hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.

Hãng xe Ford coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chính” thay vì các đối thủ lâu đời hơn như GM và Toyota. Linda Jackson, Giám đốc điều hành Peugeot, cũng lặp lại những lo ngại này khi cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc là “mối nguy hiểm lớn nhất” đối với thương hiệu thuộc sở hữu của Stellantis.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.