Vài tháng qua, Đức phải đối mặt với nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra trong lĩnh vực vận tải công cộng, tại Pháp cũng phải đóng cửa Tháp Eiffel ngày thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh nhân viên tiếp tục đình công, còn tại Mỹ có khả năng xảy ra một số cuộc đình công lớn trong năm 2024.
Đình công ở nhiều nơi
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang hứng chịu nhiều cuộc đình công trên toàn quốc, ảnh hưởng ngành hàng không, đường sắt và giao thông công cộng. Nghiệp đoàn Verdi đại diện cho 90.000 người lao động trong lĩnh vực vận tải công cộng ở Đức vừa thông báo, nhân viên một số ngành vận tải công cộng sẽ đình công từ ngày 26-2 đến 2-3 trên khắp các bang.
Mới đây nhất, nhân viên mặt đất của hãng hàng không Lufthansa (Đức) đình công, ảnh hưởng khoảng 100.000 hành khách tại các sân bay. Đầu tháng này, hơn 1.000 chuyến bay bị hủy trên 11 sân bay lớn. Tiếp ngay sau đó, cuộc đình công của nhân viên mặt đất của Lufthansa cũng khiến 900 trong số 1.000 chuyến bay bị ảnh hưởng. Trước đó, ngày 2-2, người lao động trong lĩnh vực tổ chức một cuộc đình công mang tính cảnh cáo, khiến giao thông công cộng ở nhiều thành phố bị tê liệt. Tháng 1-2024, công đoàn đường sắt GDL đã tổ chức một loạt cuộc đình công kéo dài nhiều ngày để phản đối tình trạng đàm phán hợp đồng với công ty vận tải đường sắt Deutsche Bahn.
Tại Pháp, các nhân viên làm việc tại Tháp Eiffel đình công từ ngày 19-2 đến 23-2 nhằm phản đối cách thức quản lý công trình biểu tượng này. Ngày 24-2, công ty SETE quản lý Tháp Eiffel cho biết cuộc đình công đã kết thúc. Theo kế hoạch, Tháp Eiffel mở lại trong ngày 25-2. Trong thông báo, công ty SETE nêu rõ đã đạt được thỏa thuận chấm dứt đình công với các nghiệp đoàn, theo đó các bên sẽ thường xuyên đánh giá lại mô hình kinh doanh của công ty, phí bảo trì và doanh thu thông qua cơ chế nhóm họp 6 tháng/lần.
Tại Mỹ, nhiều cuộc đình công lớn đã diễn ra trong năm 2023, và nguy cơ này có khả năng tiếp tục trong năm 2024. Các cuộc đình công liên tiếp của hơn 11.000 người đã khiến phần lớn hoạt động của các hãng phim Hollywood phải đóng cửa trong khoảng nửa năm 2023 và có thể tiếp tục năm nay. Hãng sản xuất máy bay Boeing cũng đối mặt với tình trạng bất ổn lao động, khi Boeing báo cáo thua lỗ 5 năm, tổng số tiền lỗ vượt mức 26 tỷ USD và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra các hãng hàng không lớn của Mỹ cũng đối mặt với yêu cầu tăng lương, thưởng của người lao động.
Đòi tăng lương, giảm giờ làm
Những cuộc đình công ở Đức, Pháp là một phần trong chuỗi các cuộc đàm phán tiền lương đang diễn ra. Lý do mà các nghiệp đoàn đưa ra là lạm phát đã tăng cao hơn phần tiền lương mà người lao động nhận được và chính sách tiền lương cần được cập nhật theo lạm phát. Người lao động đề nghị chính phủ tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng vọt. Những cuộc đàm phán cho đến nay chưa đạt bất kỳ kết quả nào mà nghiệp đoàn cho là thỏa đáng đối với người lao động. Ngoài ra, các nghiệp đoàn còn yêu cầu giảm số giờ làm việc, tăng số ngày phép cùng những yêu cầu khác về cải thiện điều kiện làm việc.
Trong khi đó, nền kinh tế nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức đứng trước nguy cơ tiếp tục suy thoái và chính phủ ngày 22-2 phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Những nguyên nhân như nhu cầu toàn cầu yếu, bất ổn địa chính trị và tình trạng lạm phát “thâm niên” đã cản trở sự phục hồi trở lại sau một thời gian kinh tế suy thoái.
NGHI VĂN