Động lực thúc đẩy Hàn Quốc hợp tác với Cuba

.

Hàn Quốc rất kỳ vọng vào mối quan hệ ngoại giao mới thiết lập với Cuba bởi đây là bước ngoặt quan trọng để mở rộng hợp tác kinh tế với quốc đảo Caribe này, đồng thời  tăng cường ngoại giao với khu vực Mỹ Latinh.

Một cửa hàng của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ở Cuba. Ảnh: Havana Times
Một cửa hàng của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ở Cuba. Ảnh: Havana Times

Ngày 18-2, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ra thông cáo báo chí, bày tỏ hy vọng mối quan hệ ngoại giao vừa thiết lập với Cuba sẽ mang lại tác động tích cực cho phát triển kinh tế của hai nước. Thông cáo được đưa ra sau khi đại diện hai nước trao đổi công hàm ngoại giao tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), đánh dấu việc thiết lập quan hệ chính thức giữa hai quốc gia. Dựa trên nội dung thông cáo, có thể nhận ra những lý do căn bản thúc đẩy Hàn Quốc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, mảnh ghép cuối cùng để hợp tác với toàn bộ các nước trong khu vực Mỹ Latinh.

Yonhap dẫn thông cáo báo chí nêu bật một số lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh tiềm năng về kinh tế. Thông cáo nêu rõ, Cuba có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, đặc biệt coban và niken với trữ lượng lần lượt lớn thứ tư và thứ năm thế giới. Đây đều là những nguyên liệu quan trọng sản xuất pin xe điện, qua đó có thể mang lại cơ hội hợp tác cho 3 trong số 5 nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, cũng như hứa hẹn tiềm năng hợp tác dồi dào trong chuỗi cung ứng khoáng sản.

Ngoài ra, việc thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ giúp doanh nghiệp Hàn Quốc có chỗ đứng trên thị trường Cuba trong các lĩnh vực nhu yếu phẩm hằng ngày, thiết bị gia dụng và máy móc, vốn là những mặt hàng đang rất khan hiếm do các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ. Cuba đã xác định việc giảm thiểu khủng hoảng năng lượng kinh niên là nhiệm vụ tối quan trọng để phục hồi kinh tế, tích cực mở rộng cơ sở hạ tầng sản xuất điện và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.

Thực tế này tạo cơ hội cho các công ty Hàn Quốc có thế mạnh về năng lượng như sản xuất điện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Cuba. Trong khi đó, Cuba có thể xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản sang Hàn Quốc, tận dụng nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là hải sâm, cũng như rượu rum và xì gà cao cấp.

Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao, các hiệp định kinh tế chính thức ở cấp chính phủ giữa hai nước có thể được ký kết trong tương lai, qua đó giúp giảm bớt những hạn chế đối với việc gia nhập thị trường của các công ty Hàn Quốc. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận thực tế khó khăn rằng thương mại trực tiếp với Cuba bị hạn chế đáng kể do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba. Điều này có nghĩa là thương nhân hai bên cần vận chuyển hàng hóa và giao dịch tiền tệ phải thông qua các nước thứ ba. Tuy nhiên, Hàn Quốc nhận thấy Cuba là thị trường mới nổi đầy hứa hẹn, với nhiều cơ hội kinh tế rộng mở nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Giao lưu nhân dân cũng được kỳ vọng sẽ thuận lợi hơn sau sự kiện này. Trước Covid-19, ước tính có khoảng 14.000 công dân Hàn Quốc đến thăm quốc đảo tươi đẹp này mỗi năm. Thời gian tới, Hàn Quốc sẽ lập lãnh sự quán tại Cuba để hỗ trợ du khách. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc khai thác thị trường Cuba. Hiện  ở Cuba, “ArtCor”, nhóm gồm khoảng 10.000 người hâm mộ văn hóa đại chúng Hàn Quốc, đang hoạt động như dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng đối với nước châu Á này.

Về phía Cuba, nước này cũng muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc nhằm tăng cường trao đổi kinh tế và văn hóa nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này.

Dù tiềm năng hợp tác kinh tế “chiếm sóng” nội dung thông cáo, song giới quan sát nhận ra một số động cơ chính khiến Hàn Quốc xích lại Cuba. Việc lập quan hệ ngoại giao với Cuba, quốc gia còn lại ở Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ chưa có quan hệ với Hàn Quốc trước đó, đánh dấu bước ngoặt quan trọng giúp Hàn Quốc tăng cường ngoại giao trong các khu vực này; đồng thời mở rộng tầm nhìn ngoại giao với tư cách là “quốc gia then chốt toàn cầu”.

Đây cũng là tính toán có chủ ý về mặt chính trị nhằm tăng thêm sự cô lập ngoại giao của Triều Tiên vốn là mối bận tâm hàng đầu của Hàn Quốc, từ đó gây thêm áp lực buộc Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Cuba hiện là một trong số ít nước quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1960. Cuba tuyên bố ủng hộ giải pháp đàm phán cho căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Thực ra, quan hệ Hàn Quốc - Cuba được thiết lập trong bối cảnh có những chuyển động tích cực trước đó. Dù không có quan hệ ngoại giao trong nhiều thập niên nhưng hai nước xây dựng quan hệ thương mại quan trọng về ô-tô, điện tử và điện thoại di động trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực trong quan hệ Mỹ-Cuba cũng tạo động lực cho Hàn Quốc.

Đáng chú ý, năm 2016, sau khi Mỹ và Cuba khôi phục quan hệ ngoại giao và mở lại đại sứ quán ở hai nước, Ngoại trưởng Hàn Quốc khi đó là ông Yun Byung Se thăm Cuba. Tiếp đến, năm 2023, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin gặp Thứ trưởng Ngoại giao Cuba và đã đề xuất nối lại quan hệ song phương.

Cuba và Hàn Quốc lần đầu có quan hệ ngoại giao vào năm 1949 nhưng mối quan hệ bị cắt đứt vào năm 1959. Kể từ đó, Cuba quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên và duy trì đại sứ quán ở Bình Nhưỡng, trong khi đó, Hàn Quốc xây dựng quan hệ gần gũi với Mỹ.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.