Hội nghị An ninh Munich: Tầm nhìn "Châu Âu hùng mạnh hơn"

.

Dù nhiều vấn đề “nóng” toàn cầu nằm trong chương trình nghị sự, chiến lược an ninh phòng thủ của châu Âu vẫn “chiếm sóng” hội nghị An ninh Munich (MSC) 2024 tại Đức. Điều này cho thấy châu Âu thực sự bừng tỉnh sau thời gian dài lơ là đầu tư phát triển quốc phòng do tâm thế phụ thuộc “lá chắn an ninh” của Mỹ.

Chủ tịch hội nghị An ninh Munich (MSC) Christoph Heusgen phát biểu tại lễ khai mạc MSC lần thứ 60 tại Munich (Đức) ngày 16-2. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chủ tịch hội nghị An ninh Munich (MSC) Christoph Heusgen phát biểu tại lễ khai mạc MSC lần thứ 60 tại Munich (Đức) ngày 16-2. Ảnh: Tân Hoa Xã

Diễn ra từ ngày 16 đến 18-2, MSC 2024 là nơi dành cho “đối thoại” hơn là “hành động” song tuân thủ “Quy tắc Munich: tương tác với nhau: không chỉ trích hoặc phớt lờ nhau”, qua đó cung cấp nền tảng đối thoại hữu ích về an ninh, nơi các quốc gia thường khó thỏa hiệp nhưng cần khẩn trương hợp tác. Đây cũng chính là lý do khiến tầm ảnh hưởng của MSC ngày càng lớn.

Chiến lược quốc phòng hiệu quả hơn

MSC 2024 chứng kiến tiếng nói cương quyết hơn từ giới lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là các nền kinh tế đầu tàu của “lục địa già”, về tầm nhìn xây dựng năng lực quốc phòng tầm châu lục chủ động và hiệu quả hơn, bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới hay xung đột ở Ukraine diễn ra như thế nào.

Theo Reuters, trong khuôn khổ MSC 2024, ngày 17-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, tiết lộ EC sẽ đưa ra đề xuất chiến lược công nghiệp quốc phòng trong vòng 3 tuần tới; đồng thời sẽ mở văn phòng ở Ukraine phụ trách vấn đề đổi mới quốc phòng. “Châu Âu phải đẩy mạnh cơ sở công nghiệp của mình… Tôi là người theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương đầy thuyết phục, đồng thời chúng ta phải xây dựng một châu Âu hùng mạnh và điều đó phải đi đôi với nhau”, bà Ursula von der Leyen nói.

Năng lực quân sự quốc gia của các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) không chỉ phải thực sự tương thích với nhau trên thực tế mà còn có các thỏa thuận quốc phòng và hợp đồng mua sắm chung; tăng cường khả năng dự đoán của các tập đoàn trong ngành cũng như năng lực phối hợp và tương tác giữa các lực lượng vũ trang của các nước thành viên. Đáng chú ý, các chương trình quốc phòng của châu Âu cần tính đến Ukraine trong bối cảnh xung đột tại nước này vẫn chưa tìm thấy lối ra. Kế hoạch này cho thấy mong muốn củng cố trụ cột châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn dắt.

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi rộ tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo, nếu thắng cử, Mỹ sẽ không bảo vệ các nước thành viên NATO không đóng góp đầy đủ cho liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Phát biểu hàm ý “bỏ rơi” đồng minh NATO này của ông Trump đã khiến các nước EU bừng tỉnh. Thực tế, trong nhiều năm qua, các nước thành viên NATO ở châu Âu ưu tiên phát triển kinh tế hơn quốc phòng. Một phần điều này được xem là xuất phát từ tâm lý ỷ lại vào cam kết bảo vệ đồng minh của Mỹ, “anh cả” trong liên minh.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, 18 trong số 31 nước thành viên NATO sẽ đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm 2024. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP và sẽ cam kết tiếp tục duy trì mốc đóng góp theo yêu cầu của NATO. Tuy nhiên, dù cá nhân ông Stoltenberg “hoan nghênh” quyết tâm này của các nước thành viên, nhưng trong mắt một số nhà quan sát, điều này mang đến tâm lý cảnh giác và đáng chú ý hơn ở một số nước.

Những thách thức đối với toàn cầu hóa

Tâm lý lo lắng về an ninh của phương Tây càng trở nên rõ ràng hơn. Điều này được thể hiện rõ qua sự thay đổi giọng điệu của MSC trong ba năm qua. Đáng chú ý, với tựa đề là “Lose-Lose (thua-thua, hay “Lưỡng bại câu thương”), báo cáo năm 2024 của MSC cảnh báo, sự lạc quan về kinh tế và địa chính trị của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh đã biến mất và hiện có nguy cơ thực sự là ngày càng nhiều quốc gia rơi vào tình thế “cùng thua”. Do căng thẳng địa chính trị và sự bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra rằng, một số quốc gia chạy theo “tư duy tổng bằng 0”, thuật ngữ có nguồn gốc từ lý thuyết trò chơi để nói về những tình huống trong đó lợi ích của một người sẽ là mất mát của người khác, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết cục “cùng thua”. Bên cạnh đó, các dòng chảy thương mại cũng đang có dấu hiệu tái cơ cấu theo đường ranh giới địa chính trị. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “trật tự thế giới mới vận hành vì mọi người dân” và kêu gọi các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế theo Hiến chương LHQ.

Trung Quốc nói gì? AFP dẫn phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại hội nghị An ninh Munich ngày 17-2, cho biết: “Bất kể tình hình thế giới có thay đổi như thế nào, Trung Quốc với tư cách là một nước lớn sẽ có trách nhiệm luôn duy trì tính liên tục và ổn định trong các chính sách lớn của mình, đồng thời kiên quyết duy trì một lực lượng ổn định giữa một thế giới đầy biến động”. Ông cũng nhấn mạnh, bất kỳ ai nhân danh việc giảm rủi ro để tìm cách giảm sự hiện diện của Trung Quốc đều đang phạm sai lầm lịch sử. Tuyên bố được đưa ra trong ối cảnh Mỹ và EU liên tục kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu quan trọng.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.