NATO vẽ lại bản đồ với thành viên mới Thụy Điển

.

Rốt cuộc Thụy Điển đã vượt qua rào cản cuối cùng trên hành trình chông gai vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi nhận sự chấp thuận của Hungary, qua đó kết thúc 200 năm trung lập, đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho liên minh này.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải) và người đồng cấp Hungary Viktor Orbán. Ảnh: Hungary Today
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson (bên phải) và người đồng cấp Hungary Viktor Orbán. Ảnh: Hungary Today

Ngày 26-2, Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển sau gần hai năm đàm phán căng thẳng, qua đó mở rộng cánh cửa đón Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ dẫn dắt. Dự kiến, việc Thụy Điển gia nhập NATO có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 1-3.  CNN dẫn lời Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 26-2 tuyên bố: “Hôm nay là một ngày lịch sử. Thụy Điển sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”; đồng thời nhấn mạnh, việc tham gia NATO là bước tiến lớn, đồng nghĩa nước này bỏ lại phía sau hai thế kỷ trung lập và phi liên kết quân sự.

Một thương vụ lớn

Việc chấp thuận nói trên diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Ulf Kristersson đến Budapest (Hungary) để thảo luận hợp tác quốc phòng và an ninh với người đồng cấp Hungary Viktor Orbán. Tại đây, hai bên dường như đã có động thái hòa giải khi đồng ý về thỏa thuận cụ thể về công nghệ quốc phòng mà theo đó Hungary sẽ mua 4 máy bay chiến đấu Saab Gripen mới do Thụy Điển sản xuất để bổ sung vào phi đội 14 chiếc của quân đội của mình. Đây là động thái giúp tái xây dựng niềm tin giữa hai nước theo như nhận định của ông Orban và cải thiện khả năng của Hungary tham gia các hoạt động chung của NATO.

Tại sao Thụy Điển tham gia NATO lại được ví von là một thương vụ lớn? Các bài viết từ USA TODAY và AP đã chỉ ra một số lý do. Trước hết, hành trình xin gia nhập NATO của Thụy Điển trải qua khá nhiều chông gai và kéo dài hơn hai năm. Do đó, việc Hungary ủng hộ Thụy Điển là tín hiệu rất đáng chú ý. Thủ tướng Hungary Viktor Orbán vốn là người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với Nga. Hơn nữa, các chính trị gia Thụy Điển và Hungary từng gặp một số xích mích, làm ảnh hưởng mối quan hệ song phương.

Bên cạnh đó, Thụy Điển vốn đã đứng ngoài bất cứ liên minh quân sự trong hơn 200 năm và từ lâu đã từ chối việc trở thành thành viên NATO. Tuy nhiên, sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Thụy Điển đã từ bỏ chính sách không liên kết lâu đời này và quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh cùng nước láng giềng Phần Lan gần như chỉ sau một đêm. Mặc dù Thụy Điển không giáp Nga nhưng nước này nằm ở vị trí rất gần. Trong khi đó, Nga liên tục phản đối việc mở rộng của NATO và cảnh báo đáp trả nếu NATO cố gắng thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển hoặc Phần Lan, nước giáp biên giới với Nga.

NATO củng cố sức mạnh

Năm ngoái, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO, bổ sung thêm khoảng 1.300km (830 dặm) vào biên giới của liên minh với Nga. Với tư cách là nước thành viên NATO, Phần Lan và Thụy Điển sẽ được hưởng sự bảo vệ theo Điều 5 của hiệp ước thành lập liên minh, trong đó quy định rằng bất kỳ cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả thành viên.

Việc Thụy Điển gia nhập NATO bổ sung thêm mảnh ghép cuối cùng cho liên minh trong quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Baltic, ngoại trừ vùng Kaliningrad của Nga (nơi đặt Hạm đội Baltic của Nga). Vị trí của Thụy Điển nằm giữa cả Biển Bắc và Biển Baltic mở ra một tuyến đường quan trọng để vận chuyển nhiều lực lượng NATO hơn đến bảo vệ họ trong trường hợp bị tấn công. Tuuli Duneton, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Estonia, cho biết: “Điều này cho phép lực lượng Mỹ tăng cường kịp thời cho các quốc gia Biển Baltic, đặc biệt là các quốc gia ở tuyến đầu”. Estonia, Latvia và Litva (các nước thành viên NATO ở vùng Baltic) đặc biệt thở phào nhẹ nhõm trước sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan bởi từ lâu ba nước này được coi là “gót chân Achilles” của liên minh. Đảo Gotland của Thụy Điển cũng là một trong những vị trí quan trọng nhất trong khu vực và là trung tâm cho mọi hoạt động phòng thủ của 3 nước vùng Baltic trước bất kỳ cuộc tấn công nào.

Việc Thụy Điển và Phần Lan cùng “về chung một nhà”  làm thay đổi sườn phía đông của NATO bằng cách tăng gấp đôi biên giới của liên minh với Nga, do biên giới phía đông dài 1.340km của Phần Lan. Việc kết nạp Thụy Điển cũng giúp NATO có thêm các tàu ngầm tiên tiến phù hợp với điều kiện Biển Baltic và phi đội máy bay chiến đấu Gripen tiên tiến. Thụy Điển cũng đang tăng chi tiêu quân sự và dự kiến đạt quy định 2% GDP của NATO trong năm nay. Từ khi hai nước Bắc Âu nói trên bắt đầu tiến trình gia nhập, phương Tây đã thắt chặt kiểm soát Biển Baltic, làm phức tạp thêm tuyến đường vận chuyển quan trọng của hải quân Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ngay cả khi tính cả Thụy Điển, “tài sản hải quân” của NATO vẫn tương đối hạn chế vào lúc này.

Việc Thụy Điển gia nhập NATO diễn ra vào thời điểm xung đột ở Ukraine có những biến chuyển đáng chú ý và những rạn nứt xuất hiện trong sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều bất ổn về tương lai của NATO khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng 2024 đe dọa từ bỏ các bảo đảm an ninh của Mỹ cho ít nhất một phần châu Âu.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.