Tuần qua, Mỹ và liên minh châu Âu (EU) đồng loạt tung các lệnh trừng phạt mới đối với Nga nhằm vá hết những lỗ hổng còn sót lại từ các vòng trừng phạt trước đây. Tuy nhiên, biện pháp mới nhất này liệu có rơi vào cảnh “gậy ông lại đập lưng ông” khi kinh tế Nga vẫn tăng trưởng thần kỳ?
Nhà máy lọc dầu của nhà sản xuất Gazprom Neft ở ngoại ô phía đông nam Moscow, Nga. Ảnh: Getty Image |
Nga phải đối mặt với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ Mỹ, EU và các nước khác kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Thực tế, trong 2 năm qua, kinh tế Nga đã hồi phục ngoạn mục. Các nhà máy đang hoạt động tốt, doanh số bán dầu và khí đốt tương đối mạnh và cuộc sống của người dân vẫn không có xáo trộn nhiều. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đang điều hành đất nước một cách chắc chắn hơn với tỷ lệ tín nhiệm ở mức cao, bất chấp đồn đoán rằng giới thượng lưu Nga sẽ quay lưng khi áp lực kinh tế gia tăng.
Tại sao các đòn trừng phạt ở mức độ và phạm vi rộng khắp như vậy vẫn không thể đè bẹp cỗ máy kinh tế Nga? Các nhà quan sát chỉ ra hai yếu tố chính: ý chí chính trị và kỹ thuật thực hiện. Rõ ràng, phương Tây đang thiếu các nguồn lực pháp lý, tài chính và thậm chí cả công cụ quân sự, để thực thi các lệnh trừng phạt. Politico đưa ra cái nhìn sâu hơn về một số lý do chính khiến các lệnh trừng phạt Nga vẫn chưa hiệu quả.
Trước hết, việc thực thi không đồng nhất giữa các đồng minh của Mỹ theo đuổi chiến dịch “bão trừng phạt” Nga. Trong khi Mỹ có “bề dày thành tích” trong việc áp đặt trừng phạt kinh tế đối với thực thể ở nước ngoài với hệ thống kiểm soát mạnh mẽ thì các quốc gia đồng minh khác lại bộc lộ lỗ hổng cho lách luật. Mỹ đang chuyển sang “các biện pháp trừng phạt thứ cấp”, cho phép trừng phạt các thực thể có trụ sở ở nước ngoài kinh doanh với Nga.
Tuy nhiên, một số đồng minh của Mỹ coi đây là sự vượt quá thẩm quyền của Mỹ vì nó có thể tác động các bên thứ ba không chịu lệnh trừng phạt. Một lỗ hổng lớn là quyền miễn trừ cho phép giao dịch liên quan đến năng lượng với các ngân hàng Nga bị trừng phạt, khiến một lượng vốn đáng kể tiếp tục chảy vào nền kinh tế Nga.
Chính phủ các nước phương Tây phải thừa nhận xuất khẩu đang ngoài tầm kiểm soát. Thực tế, nỗ lực bất thành trong kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với một số loại sản phẩm nhất định, chẳng hạn vi mạch. Trong khi đó, Nga đã có thể quay sang các nước khác có quan điểm bất hòa với phương Tây để trao đổi thương mại.
Chuyên gia Chris Miller thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: “Phần lớn khối lượng thương mại giữa Nga và các đối tác vừa được định tuyến lại, chủ yếu thông qua Trung Quốc, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nước khác”. Điều đáng nói là không phải quốc gia nào mua sản phẩm của Nga đều là đối thủ của Mỹ và EU.
Chẳng hạn, Ấn Độ đã tăng cường mua dầu của Nga. Tuy nhiên, Mỹ không mấy quan tâm đến việc xa lánh Ấn Độ bởi họ cần nước này trở thành đối tác kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, và vì vậy mọi lời kêu gọi Ấn Độ vẫn ở mức tối thiểu.
Vấn đề nan giải tiếp theo là trần giá dầu mà phương Tây áp lên Nga cũng chỉ mang tính biểu tượng. Các nhà phân tích cảnh báo, hầu như không có thùng dầu thô nào của Nga được bán dưới mức trần 60 USD. Nga đang khai thác những lỗ hổng để vận chuyển dầu thô tới các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ... để tinh chế thành nhiên liệu, sau đó bán cho EU và Anh vốn đều nằm trong giới hạn giá của G7. Miễn là dầu được xử lý bởi người trung gian thì cả người bán và người mua đều không thực sự vi phạm các quy tắc.
Ở khía cạnh khác, ngày càng nhiều cá nhân và công ty Nga mở làn sóng kiện phương Tây về lệnh trừng phạt, và trong một số trường hợp, họ đã thành công. Điều này khiến các chính phủ phương Tây bối rối và càng thách thức sức mạnh nguồn lực pháp lý của họ.
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh quyết định chọn giải pháp “vũ khí hạt nhân tài chính” là loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT nhằm ngăn các ngân hàng lớn của Nga truy cập hệ thống này. Song, theo Hội đồng Đại Tây Dương, hầu hết các ngân hàng khu vực và nhỏ hơn của Nga, hơn 300 ngân hàng, vẫn có quyền truy cập vào SWIFT, cho phép Nga thực hiện các giao dịch và thanh toán xuyên biên giới đối với hàng xuất nhập khẩu. Chưa kể, Nga tăng cường giải pháp thay thế khi tích cực thúc đẩy thanh toán bằng đồng nội tệ. Đến cuối năm 2023, 65% giao dịch ngoại thương của Nga được thanh toán bằng nội tệ, trong khi tỷ lệ USD và Euro giảm xuống còn 24%.
Nga đáp trả Bộ Ngoại giao Nga vừa tuyên bố sẽ mở rộng đáng kể danh sách quan chức và chính trị gia thuộc EU bị cấm nhập cảnh vào nước này nhằm đáp trả gói trừng phạt lần thứ 13 của khối này. Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích EU đang kéo dài nỗ lực vô vọng nhằm tăng sức ép lên Nga thông qua trừng phạt đơn phương. Theo AP, Nga sẽ áp đặt trừng phạt đối với những đại diện của cơ quan thực thi luật pháp và tổ chức thương mại của EU cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, đại diện các thể chế EU liên quan vụ truy tố quan chức Nga và những người thu thập tài liệu liên quan việc tịch thu tài sản của nhà nước Nga. |
THƯ LÊ