Rào cản ý muốn làm mẹ ở Đông Á

.

Thực tế, không phải các nước phương Tây hiện đại mà các quốc gia Đông Á mới là những nơi có chi phí nuôi con cao nhất thế giới. Đây là một trong những yếu tố quan ngại nhất ảnh hưởng ý muốn có con của giới trẻ ở các nước như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hàn Quốc, nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, đang đứng đầu danh sách quốc gia có chi phí đắt đỏ nhất để nuôi dạy trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi, cao gấp 7,79 GDP bình quân đầu người, theo sau là ở Trung Quốc (gấp 6,3 lần), vượt xa Mỹ (4,11 lần).

Chi phí thời gian và cơ hội cũng cao

China Daily dẫn báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu dân số Dục Oa có trụ sở tại Bắc Kinh cho thấy, các cặp vợ chồng phải bỏ ra 78.000 USD để nuôi dạy một người con. Nếu chỉ tính riêng khu vực đô thị, chi phí này thậm chí lên tới 92.700 USD.

Đáng chú ý, báo cáo cũng đề cập chi phí thời gian và cơ hội (tức là phần thu nhập mất đi do không lựa chọn một cơ hội khác) khi nuôi con, chủ yếu ở phía người mẹ. Người bố chỉ mất thời gian rảnh rỗi trong khi người mẹ giảm 2.016 giờ làm việc trong giai đoạn chăm sóc trẻ từ khi mới sinh đến 4 tuổi, mất đi thu nhập 8.700 USD. Thu nhập từ lương của phụ nữ cũng giảm 12-17%. Thời gian rảnh rỗi giảm đi 12,6 giờ đối với mẹ có một con từ 0-6 tuổi và 14 giờ với người có hai con. Thời gian hằng tuần mà phụ huynh dành để giúp làm bài tập về nhà cho trẻ ở độ tuổi tiểu học đã tăng từ 3,67 giờ lên 5,88 giờ.

Giờ đây, tăng tỷ lệ sinh là nhiệm vụ sống còn của cả Trung Quốc và Hàn Quốc trong bối cảnh phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng dân số tiềm tàng. Viện Hàn lâm Thượng Hải về Khoa học xã hội (SASS) dự báo dân số Trung Quốc vào năm 2100 có thể còn lại 525 triệu người, giảm 60% so với hiện tại. Tương tự, giới chức Hàn Quốc cũng canh cánh nỗi lo tỷ lệ sinh vốn chạm đáy thế giới năm 2023 (mức 0,72) có nguy cơ lao dốc hơn nữa. Tỷ lệ sinh ở nước này chỉ ở mức 0,78, tức là cứ 100 phụ nữ thì sẽ có 78 em bé được sinh ra.

Theo DW, đối với người Hàn Quốc, khoản lớn chi phí chăm sóc trẻ em sẽ được dùng vào chi phí giáo dục ngoài việc học ở trường công thông thường. Hàn Quốc là một xã hội rất chú trọng giáo dục và do số lượng bà mẹ đi làm cao nên nhiều phụ huynh lựa chọn gửi con đến các lớp học thêm vốn được gọi là “hagwon” sau giờ học ở trường. Bài xã luận trên tờ Chosun Ilbo từng chỉ trích các “hagwon” đã lợi dụng sự lo lắng của phụ huynh” và khuyến khích họ trả những khoản tiền khổng lồ để theo kịp những gì xã hội mong đợi. Tuy nhiên, có thể thấy số tiền mà các bậc phụ huynh ở nước này chi trả nuôi con nghe có vẻ rẻ hơn nhiều so với mức học phí mà sinh viên ở Mỹ đối mặt, nhưng có một điểm khác biệt chính. Đó là: ở nhiều nước phương Tây khác, khoản vay dành cho sinh viên do nhà nước cung cấp phổ biến hơn và gánh nặng được dỡ bỏ khỏi phụ huynh.

“Nghịch lý nhân khẩu học - kinh tế”

CNN dẫn nghiên cứu của tổ chức tài chính Jefferies (JEF) cho biết, tỷ lệ sinh ở các nước giàu có xu hướng thấp hơn so với các nước đang phát triển. Điều này được gọi là “nghịch lý nhân khẩu học - kinh tế” có nghĩa là những người giàu có thường chọn sinh ít con hơn những người có thu nhập thấp hơn.

Các nhà phân tích của Jefferies nhận định: “Khi Trung Quốc phát triển kinh tế, rất có thể nước này sẽ rơi vào nghịch lý kinh tế - nhân khẩu học giống như nhiều nước phát triển khác và tỷ lệ sinh có thể giảm xuống mức thấp hơn nhiều người mong đợi”. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng ở Trung Quốc chọn không sinh con thứ hai do chi phí nuôi dạy con ngày càng tăng. Lijia Zhang, nhà văn đang viết cuốn sách về sự thay đổi thái độ của phụ nữ Trung Quốc đối với hôn nhân và làm mẹ, nói rằng, chi phí giáo dục và nhà ở cao khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn về mặt tài chính. Một yếu tố quan trọng không kém khác là việc thay đổi thái độ. Nhiều phụ nữ thành thị và có học thức không còn coi việc làm mẹ là bước đi cần thiết trong cuộc sống hay là yếu tố cần thiết để có được hạnh phúc.

Tỷ lệ sinh giảm sẽ tác động sâu sắc đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế, sức sống đổi mới, chỉ số hạnh phúc của người dân và thậm chí cả sự trẻ hóa quốc gia. Khi quốc gia có dân số già, gánh nặng đối với hệ thống phúc lợi gồm hưu trí và an sinh xã hội cũng sẽ rất lớn. Dần dần theo thời gian, điều đó có thể làm tăng nhu cầu về những chuyển biến như tự động hóa trong hoạt động sản xuất để bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.