Được thành lập và hoạt động từ năm 1995 tới nay, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản để tiến tới tự do thương mại. Tuy nhiên, những năm gần đây đã xuất hiện không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về vai trò của WTO trong bối cảnh phải đối mặt với hàng loạt thách thức toàn cầu do căng thẳng địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng cao…dẫn đến sụt giảm dòng chảy thương mại đáng lo ngại.
Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 13 (MC13) diễn ra từ ngày 26 đến 29-2 tại Các tiểu Vương quốc Aab Thống nhất (UAE) là cuộc họp quan trọng để đưa ra quyết định về các quy tắc đa phương làm nền tảng cho hệ thống thương mại quốc tế phát triển bền vững. Một trong những vấn đề hàng đầu đối với đa số thành viên là nhanh chóng củng cố hệ thống của tổ chức để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế có hiệu quả cao nhất.
Hệ thống này bị mắc kẹt trong nhiều năm qua do bất đồng sâu sắc giữa một số thành viên chủ chốt về cách vận hành, nên nhiều vụ kiện không được giải quyết thỏa đáng, thậm chí kéo dài. Tại MC12, Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov nói: “Mấu chốt của vấn đề là thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp. WTO không có cơ quan phúc thẩm, bởi vì các nước như Mỹ đang ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán của mình. Do đó, các yêu cầu kiện tụng tranh chấp không thể giải quyết được”. Bởi vậy, WTO cần có hệ thống công bằng hơn, hiệu quả hơn để giúp cho các nước, nhất là các nước nhỏ hơn, đặc biệt khi giải quyết tranh chấp với các đối tác thương mại mạnh hơn.
Một ưu tiên khác của MC13 là về thương mại điện tử. Đây là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, nhất là khi Covid-19 hoành hành. Khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho 90% số thành viên của WTO, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, đã tham gia đàm phán thương mại điện tử được khởi động từ năm 2019. Đến nay đã kết thúc sơ bộ các cuộc đàm phán về một số quy tắc thương mại kỹ thuật số toàn cầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử, cũng như thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và kinh tế kỹ thuật số. Các nước tổ chức đàm phán gồm Úc, Nhật Bản và Singapore nhận định những kết quả này đánh dấu cột mốc quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho dòng chảy thương mại điện tử toàn cầu.
Ngoài ra, vấn đề nông nghiệp cũng được xem là ưu tiên của nhiều thành viên, nhưng đàm phán gần đây không đạt kết quả rõ ràng. Một số thành viên, trong đó có Mỹ, coi an ninh lương thực là lĩnh vực mà các thành viên có thể đóng góp tại MC13, nhưng một số thành viên khác như Ấn Độ lại cho rằng, bảo đảm an ninh lương thực cần đi cùng với giải pháp lâu dài về dự trữ công, đề xuất không được nhiều thành viên ủng hộ.
Thương mại toàn cầu phụ thuộc các chính sách, sự ổn định về chính trị, quân sự, khí hậu và sức khỏe trên thế giới. WTO dự báo, năm 2024, thương mại toàn cầu sẽ tăng trở lại mức 3,2%. Tuy nhiên, dự báo này không chắc chắn do những rủi ro, gồm căng thẳng địa chính trị, nguồn cung lương thực khan hiếm và nguy cơ tiềm tàng chưa được lường trước của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Mặt khác, WTO đang đứng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi toàn cầu hóa, các nước ngày càng hướng trọng tâm kinh tế vào bên trong, bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính họ vốn đi ngược lại với hệ thống thương mại mở mà WTO vốn theo đuổi.
Trong bối cảnh đó, tại các hội nghị WTO nói chung, MC13 nói riêng, cần nhiều thay đổi mạnh mẽ hơn trong các chính sách, hiệp định, đặc biệt cải tổ bộ máy tinh gọn hơn theo yêu cầu của các nước thành viên, gồm công nhận sự đồng thuận rộng rãi về nhu cầu cải cách; quy trình phải minh bạch và bao trùm; sự cần thiết phải giải quyết lợi ích của tất cả các thành viên công bằng, hợp lý. Chỉ khi nào đáp ứng được những yêu cầu đó, WTO mới tránh sự trở lại của nhiều rào cản thương mại, cũng như nguy cơ mất đi địa điểm đáng tin cậy để hòa giải tranh chấp và đưa ra quyết định thương mại ràng buộc cho tất cả thành viên.
LÊ MINH HÙNG