Trung Quốc nối lại "ngoại giao gấu trúc" với Mỹ

.

Tuần này, vườn thú San Diego (Mỹ) công bố thông tin bất ngờ là họ đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc để mang về những con gấu trúc dễ thương, tín hiệu cho thấy hoạt động “ngoại giao gấu trúc” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được nối lại sau thời gian gián đoạn.

Trong những năm gần đây, khi quan hệ Mỹ - Trung liên tục leo thang căng thẳng, Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng của họ thông qua “quyền lực mềm” đáng kể: gấu trúc. Năm ngoái, khi ba trong số những con gấu trúc hiếm hoi ở vườn thú quốc gia Smithsonian (Washington) bị đưa trở lại Trung Quốc, đã có rất nhiều nước mắt thương nhớ của những người yêu quý chúng trong buổi chia tay. Sau đó, tại Mỹ, chỉ có duy nhất vườn thú ở thành phố Atlanta (bang Georgia) vẫn còn gấu trúc. Con gấu trúc còn lại ở vườn thú Atlanta có thời hạn mượn đến cuối năm 2024. Và nếu không có sự gia hạn, nước Mỹ sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1972 không còn con gấu trúc nào nữa.

Chuỗi hợp tác nghiên cứu mới

Gần đây, các quan chức vườn thú quốc gia ở San Diego thông báo đã thảo luận với đối tác Trung Quốc là Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc để phát triển chương trình gấu trúc trong tương lai. Tân Hoa xã cũng thông báo, Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc đã ký các thỏa thuận với Liên minh động vật hoang dã vườn thú San Diego (Mỹ) và Sở thú - thủy cung Madrid (Tây Ban Nha) liên quan đến việc hợp tác bảo tồn gấu trúc như một phần trong nỗ lực thúc đẩy bảo vệ loài này ở cấp độ toàn cầu.

Cũng theo hãng tin nhà nước Trung Quốc, chuỗi nghiên cứu hợp tác bảo tồn gấu trúc mới sẽ bắt đầu và tập trung vào phòng ngừa cũng như kiểm soát các loại bệnh đáng kể với gấu trúc, bảo vệ môi trường sống cũng như số cá thể trong tự nhiên của loài này. Tân Hoa xã cho rằng, những nỗ lực này sẽ thiết lập nền tảng trao đổi học thuật quốc tế để thúc đẩy hoạt động giao lưu trong bảo vệ các loài quý hiếm và các loài bảo trợ (umbrella species - thuật ngữ sinh thái học nói về một loài mà khi được bảo vệ nó sẽ gián tiếp giúp bảo vệ các loài khác và môi trường sống của chúng). Chúng cũng sẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc và các nước khác.

Thông điệp đó cũng được nhấn mạnh tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi người phát ngôn Mao Ninh bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng chuỗi hợp tác mới có thể làm phong phú hơn nữa các kết quả nghiên cứu về những loài dễ tổn thương như gấu trúc, thúc đẩy giao lưu nhân dân và tăng cường quan hệ hữu nghị giữa mọi người”. Trung Quốc sở hữu hầu hết số gấu trúc trên thế giới. Loài động vật này hiện được xếp vào nhóm dễ tổn thương chứ không phải nhóm bị đe dọa là nhờ các nỗ lực bảo tồn của Trung Quốc. Hiện, gấu trúc hoang dã chỉ sống tại các vùng núi thuộc miền tây nam Trung Quốc.

Duy trì nhân tố tích cực

Quyết định gửi gấu trúc tới San Diego và tiếp tục các thảo luận với Vườn thú quốc gia tại Washington là những tín hiệu cho thấy ít nhất là lúc này, Trung Quốc vẫn có kế hoạch tiếp tục duy trì hoạt động “ngoại giao gấu trúc” với Mỹ, bất kể căng thẳng vẫn tồn tại giữa hai nước.

Trước thông tin về chuỗi ngoại giao gấu trúc mới được nối lại giữa Trung Quốc với Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, những con gấu dễ thương đang được sử dụng như phương tiện để tăng thêm “các nhân tố tích cực” cho mối quan hệ Mỹ - Trung trong giai đoạn nhiều khó khăn.

Trung Quốc “hy vọng sẽ tạo thêm động lực cho mối quan hệ Trung - Mỹ tốt đẹp hơn. Họ muốn tiếp tục kiểu hợp tác mà ở đó chúng ta có thể ngồi xuống thảo luận và đạt một số đồng thuận nào đó”, báo Washington Post dẫn nhận định của bà Shen Yamei, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Mỹ tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Ngoại giao gấu trúc có từ bao giờ?
Năm 1972, Trung Quốc tặng cho Tổng thống Mỹ khi đó là Richard M. Nixon hai con gấu trúc, khi hai nước từng đối đầu trong Chiến tranh lạnh chuẩn bị bình thường hóa quan hệ vào cuối thập niên đó.  Theo báo Washington Post, ngoại giao gấu trúc đã có từ rất xa xưa, sớm nhất có lẽ là từ năm 685 sau Công nguyên, dưới triều đại nhà Đường khi nữ hoàng Võ Tắc Thiên tặng 2 con gấu trúc cho hoàng đế Nhật Bản. Trong giai đoạn từ những năm 1950 đến những năm 1980, Trung Quốc cũng đã dùng gấu trúc làm quà tặng ngoại giao cho Mỹ, Nga, Triều Tiên, Nhật Bản và các nước khác.
Tuy nhiên, vào năm 1984, Trung Quốc bắt đầu triển khai chương trình cho mượn gấu trúc với các hợp đồng 10 năm một lần có thể gia hạn sau đó với giá từ 500.000 đến 1 triệu USD một năm với mỗi con gấu trúc. Theo điều khoản cho mượn, mọi con gấu trúc được sinh ra tại nước ngoài sẽ thuộc về Trung Quốc và sẽ được gửi trả lại cho họ trước khi chúng 4 tuổi.
Theo Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF), hiện có khoảng 1.864 con gấu trúc sống trong tự nhiên. Còn theo Cục thảo nguyên và lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, trong năm 2023 có 56 con gấu trúc đang được cho mượn. Trung Quốc đã tặng 4 con gấu trúc cho đặc khu kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) và năm 2008, họ cũng đã tặng 2 con cho vùng lãnh thổ Đài Loan  (Trung Quốc)

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.