Ấn Độ nâng tầm sức mạnh hải quân

.

Việc Hải quân Ấn Độ giải cứu thành công tàu thương mại bị cướp biển Somalia bắt giữ gần đây càng cho thấy lực lượng đặc biệt của nước này có năng lực ngang tầm với những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.

Một chiếc trực thăng bay trên tàu MV Ruen trong chiến dịch chống cướp biển của quân đội Ấn Độ vào ngày 16-3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ
Một chiếc trực thăng bay trên tàu MV Ruen trong chiến dịch chống cướp biển của quân đội Ấn Độ vào ngày 16-3. Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ

Lực lượng hàng đầu về chống cướp biển

Ngày 19-3, CNN cho biết, Hải quân Ấn Độ đã giải cứu 17 thành viên thủy thủ đoàn của tàu chở hàng MV Ruen thuộc quyền quản lý của Bulgaria sau khi khống chế toàn bộ cướp biển. Cuộc giải cứu kịch tính này diễn ra trong 40 giờ, khiến tất cả 35 tên cướp biển phải đầu hàng và chấp nhận trả tự do cho toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn. Tàu MV Ruen bị cướp vào tháng 12-2023. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2017 một tàu chở hàng bị cướp biển Somalia kiểm soát hoàn toàn. Cuộc giải cứu không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với thủy thủ tàu MV Ruen mà còn đối với toàn bộ cộng đồng hàng hải toàn cầu, tạo sự an tâm cho các tàu thương mại hoạt động qua vùng Sừng châu Phi.

CNN dẫn lời ông John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại quốc tế, nhận định thành công của chiến dịch nói trên đánh dấu Hải quân Ấn Độ là lực lượng hàng đầu về huấn luyện, chỉ huy, kiểm soát và các khả năng khác. Điều ấn tượng là họ đã giảm thiểu rủi ro khi sử dụng lực lượng phối hợp giữa tàu chiến, máy bay không người lái, máy bay cánh cố định và cánh quay cũng như lính biệt kích thủy quân lục chiến. Nhà phân tích Carl Schuster từng làm việc trong Hải quân Mỹ cho biết, vụ giải cứu nêu bật tính chuyên nghiệp của Hải quân Ấn Độ và nhiều khả năng lực lượng đặc công Hải quân Ấn Độ (MARCOS) vốn được đào tạo bài bản và có kỷ luật cao đã tiếp cận nhiều kinh nghiệm tác chiến từ các đối tác Mỹ và Anh.

Thực tế, Hải quân Ấn Độ có kinh nghiệm trong các hoạt động chống cướp biển từ hơn 20 năm trước. Vụ cướp tàu MV Ruen xảy ra trong bối cảnh tuyến đường vận chuyển qua Biển Đỏ đang bị tắc nghẽn do những cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào tàu thương mại quốc tế. Trong khi các lực lượng hải quân quốc tế chuyển hướng lực lượng từ Vịnh Aden vào Biển Đỏ để đối phó với các cuộc tấn công của Houthi, vô hình trung đã tạo ra khoảng trống để những tên cướp biển Somalia ở vùng Sừng châu Phi gần đó hoành hành, gây ra tổn thất hàng tỷ USD cho kinh tế toàn cầu.

Tham vọng mở rộng phạm vi hoạt động 

Với đường bờ biển dài 7.516km và hơn 1.200 vùng lãnh thổ đảo trải dài từ biển Ả Rập đến vịnh Bengal, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đường biên giới trên biển với 7 quốc gia khác. Với sự trỗi dậy kinh tế mạnh mẽ, Ấn Độ đang cố gắng đưa sức mạnh hải quân trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược quốc gia. Trong những năm gần đây, nước này đã thành công trong việc duy trì lực lượng hải quân đáng tin cậy trong khu vực Ấn Độ Dương; trong đó tập trung bảo vệ tự do hàng hải, an toàn các tuyến đường thông tin trên biển và bảo vệ lợi ích quốc gia ở các vùng biển tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh thổ đảo.

Đáng chú ý, theo Quỹ Hàng hải quốc gia Ấn Độ (NMF), tư tưởng cũ của Hải quân Ấn Độ trong việc kiểm soát vùng biển cục bộ và phòng thủ bờ biển (chủ yếu nhấn mạnh bảo vệ tính toàn vẹn của vùng biển gần của Ấn Độ và không bị các mối đe dọa khu vực gây ảnh hưởng) đã nhường vị trí cho tham vọng vươn tầm phạm vi và khả năng hoạt động trên các vùng biển quốc tế, đặc biệt khẳng định đóng góp tích cực cho sự ổn định hàng hải toàn cầu. Việc triển khai lực lượng tuần tra chống cướp biển gần Biển Đỏ kể từ tháng 1-2024 là ví dụ điển hình. Trước đó, tháng 1-2024, lực lượng này giải thoát cho một tàu cá Iran bị cướp biển tấn công và kiểm soát ở ngoài khơi Somalia.

Với sức mạnh không ngừng được củng cố, Hải quân Ấn Độ đang hướng đến mục tiêu trở thành lực lượng hải quân tầm xa hàng đầu thế giới, không chỉ bảo đảm vị trí chiến lược của nước này ở trung tâm Ấn Độ Dương, bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển mà còn có thể ứng phó với bất kỳ thách thức và mối đe dọa trong khu vực từ các thực thể bên ngoài, từ đó từng bước định vị cường quốc toàn cầu trong tương lai. Việc Ấn Độ nâng cao sức mạnh và tăng ngân sách cho lực lượng hải quân cũng nhằm tăng năng lực cạnh tranh với Trung Quốc do lo ngại viễn cảnh nước này mở rộng nhiều căn cứ hải quân ở Ấn Độ Dương.

Cướp biển Somalia đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên các tuyến đường biển quan trọng trên toàn cầu trong khoảng thời gian 2008-2018. Vấn nạn cướp biển đã lắng đi cho đến cuối năm 2023 bắt đầu gia tăng trở lại sau khi Biển Đỏ “dậy sóng” trước các cuộc tấn công của Houthi. Giới chức Ấn Độ cho biết hải quân nước này đã ghi nhận ít nhất 17 vụ cướp, cố gắng cướp và tiếp cận đáng ngờ nhằm vào tàu hàng trên biển kể từ cuối năm 2023.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.