Đảng cầm quyền ở Anh trước làn sóng từ chức

.

Việc hai bộ trưởng trong Chính phủ Anh từ chức là đòn kép nhắm vào Thủ tướng Rishi Sunak buộc ông phải cải tổ đội ngũ của mình. Đây là diễn biến mới nhất trong xu hướng rút lui hàng loạt của các chính trị gia đảng Bảo thủ cầm quyền khiến đảng này có nguy cơ thất bại lớn trong cuộc tổng tuyển cử quan trọng sắp tới.

Theo Reuters, ngày 26-3, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang James Heappey và Bộ trưởng Giáo dục Anh Robert Halfon đều thông báo từ chức. Cả hai quan chức này cũng sẽ từ chức nghị sĩ tại cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra trước tháng 1-2025. Ngay sau đó, Chính phủ Anh đã bổ nhiệm nhân sự thay thế, gồm nghị sĩ Leo Docherty làm Bộ trưởng Lực lượng vũ trang và nghị sĩ Luke Hall làm Bộ trưởng Giáo dục.

Thực ra, ông Heappey tuyên bố ý định từ chức nghị sĩ và bộ trưởng vào đầu tháng này với lý do được đưa ra là ưu tiên cho gia đình và theo đuổi một sự nghiệp khác. Tuy nhiên, theo giới quan sát, động cơ đằng sau khiến cựu quân nhân này có quyết định như vậy chính là việc ông không hài lòng với mức chi tiêu quân sự của Chính phủ trong gói ngân sách mùa Xuân và đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp để nước Anh đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng chiếm 2,5% GDP. Bên cạnh đó, ông cũng không hài lòng vì tuột mất chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng vào tay Grant Shapps trong cuộc cải tổ nội các vào năm ngoái. Trong khi đó, ông Halfon, với tư cách là Bộ trưởng Giáo dục, chịu trách nhiệm về việc học nghề và kỹ năng, là nghị sĩ đảng Bảo thủ kể từ năm 2010. Ông từng giữ Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ khi ông David Cameron còn là Thủ tướng và là cựu Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Hạ viện.

Việc hai bộ trưởng từ chức được xem là chỉ dấu về khả năng sẽ còn có thêm nhiều nghị sĩ của đảng cầm quyền có bước đi tương tự. Đến nay, hơn 1/5 số nghị sĩ đảng Bảo thủ được bầu vào năm 2019 lần lượt rời đi. Thực trạng này làm tăng thêm cảm giác rằng cuộc bầu cử sắp tới sẽ chứng kiến đảng Bảo thủ bị loại khỏi chính phủ sau 14 năm nắm quyền. Theo Independent, trong số 98 nghị sĩ trong Quốc hội tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, hầu hết nghị sĩ là thành viên đảng Bảo thủ. Đây là số lượng nghị sĩ cấp cao thông báo từ chức nhiều nhất kể từ chiến thắng áp đảo của Công đảng dưới thời Thủ tướng Tony Blair năm 1997. Nhân vật nổi bật nhất trong số này là cựu Thủ tướng Theresa May khi bà tuyên bố sẽ từ chức sau 27 năm làm nghị sĩ. Đáng chú ý, bên cạnh những chính khách kỳ cựu như cựu Thủ tướng Theresa May, những người khác còn khá trẻ và chỉ mới gia nhập chính trường cũng từ bỏ vị trí của mình.

Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã viện dẫn rất nhiều lý do để quyết định rời Điện Westminster (trụ sở Quốc hội Anh), trong đó có áp lực công việc gia tăng, những căng thẳng trên chính trường trong thời gian qua, và cảm giác không còn hứng thú với công việc vốn đã gắn bó quá lâu mà thay vào đó là muốn thử sức với các công việc khác, chẳng hạn kinh doanh tự do.

Viễn cảnh đảng này thất bại trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới có thể tác động đến uy tín của đảng Bảo thủ nói chung và vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Sunak nói riêng khi những chính sách cốt lõi của ông chính thức “chết yểu”. Trước đó, ông Sunak đã phải xoay xở dập tắt một cuộc “nổi loạn” của các thành viên cánh hữu trong chính đảng Bảo thủ của ông khi họ phản ứng trước dự luật về nhập cư. Hiện, đảng Bảo thủ đã liên tục bám đuổi Công đảng đối lập, do ông Keir Starmer lãnh đạo. Telegraph dẫn kết quả cuộc thăm dò mới nhất của hãng Savanta cho biết, Công đảng đang dẫn trước với 44% ủng hộ trong khi đảng Bảo thủ chỉ có 24%.  Trước tình thế này, Thủ tướng Sunak không còn cách nào khác phải tìm cách xoay chuyển tình thế và giành chiến thắng thứ 5 liên tiếp cho đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử tới để hiện thực hóa cam kết đưa nước Anh trở lại với tầm nhìn dài hạn mới.

THƯ LÊ  

;
;
.
.
.
.
.