Mỹ ngăn dữ liệu công dân "chảy" sang Trung, Nga

.

Ngày 28-2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố sắc lệnh về tìm cách hạn chế bán dữ liệu cá nhân nhạy cảm cho 6 quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố sắc lệnh bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ.  Ảnh: Reuters
Chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố sắc lệnh bảo vệ dữ liệu cá nhân của người Mỹ. Ảnh: Reuters

Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực ngăn chặn rò rỉ các dữ liệu quan trọng của Mỹ ra nước ngoài. Sắc lệnh nhằm tránh tình trạng thông tin cá nhân của công dân Mỹ bị thu thập nhằm tống tiền, lừa đảo hoặc các mục đích xấu khác.

Lấp lỗ hổng rò rỉ dữ liệu

Theo AP, môi giới dữ liệu là hành vi hợp pháp ở Mỹ. Các nhà môi giới thu thập, phân loại thông tin cá nhân; xây dựng hồ sơ về hàng triệu người Mỹ; cho thuê hoặc bán dữ liệu cho các nhà tiếp thị để phục vụ quảng cáo cho khách hàng. Dữ liệu sau đó có thể được bán đi bán lại nhiều lần cho các đối tượng khác nhau. Song, điều đó có thể tạo lỗ hổng đáng quan ngại trong bảo vệ an ninh quốc gia một khi dữ liệu được bán rơi vào tay đối thủ. Do đó, sắc lệnh mới nhất này nhằm lấp đầy lỗ hổng đó.

Theo sắc lệnh, các cơ quan chức năng Mỹ sẽ kích hoạt các biện pháp ngăn chặn  chuyển dữ liệu cá nhân của người Mỹ trên quy mô lớn sang Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, Cuba và Venezuela, cũng như bất kỳ thực thể nào liên quan những nước này. Sắc lệnh tập trung các thông tin cụ thể, nhạy cảm như dữ liệu gen, sinh trắc học, sức khỏe cá nhân, dữ liệu định vị địa lý, dữ liệu tài chính và các loại thông tin nhận dạng cá nhân khác. Quy định mới nhắm vào các nhà môi giới dữ liệu thương mại, công ty buôn bán dữ liệu cá nhân mờ ám bán thông tin cho các đối thủ nước ngoài hoặc các thực thể do các quốc gia đó kiểm soát đang hoạt động tại Mỹ.

Thực tế, Mỹ lâu nay lo ngại xuất hiện tình trạng sử dụng dữ liệu nhạy cảm này để theo dõi người Mỹ và quân nhân. Bộ trưởng Tư pháp Merrick B. Garland cho rằng: “Đối thủ đang khai thác dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ, qua đó đe dọa an ninh quốc gia. Họ đang mua dữ liệu này và sử dụng để tống tiền, giám sát các cá nhân, nhắm mục tiêu vào những người mà theo họ có bất đồng chính kiến tại Mỹ và tham gia hoạt động gây hại khác”.

Chính phủ Mỹ kỳ vọng sắc lệnh hạn chế các thực thể nước ngoài, cũng như các công ty do nước ngoài kiểm soát hoạt động tại Mỹ, có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm. “Những kẻ xấu có thể sử dụng dữ liệu này để theo dõi người Mỹ, bao gồm cả quân nhân, dò xét cuộc sống cá nhân của họ và chuyển dữ liệu đó cho các nhà môi giới dữ liệu và cơ quan tình báo nước ngoài khác. Dữ liệu này có thể cho phép xâm nhập, lừa đảo, tống tiền và các hành vi vi phạm quyền riêng tư khác”, Nhà Trắng thông báo.

Bộ Tư pháp Mỹ sẽ ban hành quy định thiết lập biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm của người Mỹ, cũng như dữ liệu liên quan đến chính phủ, gồm thông tin định vị địa lý trên các trang web nhạy cảm của chính phủ và các thành viên của quân đội; đồng thời hợp tác với Cơ quan An ninh nội địa xây dựng các tiêu chuẩn an toàn nhằm ngăn chặn các đối thủ nước ngoài thu thập dữ liệu.

Chiến tranh lạnh kỹ thuật số với Trung Quốc

New York Times nhận định, sắc lệnh chẳng khác nào bước leo thang mới nhất của cuộc chiến tranh lạnh kỹ thuật số giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ đã cắt nguồn cung cấp quan trọng của các nhà sản xuất phần cứng Trung Quốc và yêu cầu TikTok, thuộc sở hữu của công ty internet Trung Quốc ByteDance, bán cổ phần hoặc thoái vốn khi cho rằng ứng dụng này gây rủi ro an ninh quốc gia. Tháng 8-2024, Tổng thống Biden đưa ra các hạn chế nhằm gây thêm khó khăn cho giới đầu tư Mỹ khi “rót” vốn vào phát triển công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử ở Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc nắm giữ dữ liệu nhạy cảm cũng thu hút sự giám sát của Mỹ. Chính phủ Mỹ từng buộc một công ty Trung Quốc bán ứng dụng hẹn hò Grindr và bày tỏ quan ngại về công ty di truyền học Trung Quốc BGI. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đặt ra các hạn chế đối với các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại nước này; đồng thời chặn quyền truy cập vào các trang web như Facebook và Google.

Sắc lệnh của ông Biden phản ánh một phần xu hướng của các nước trong việc cố gắng kiểm soát dữ liệu cá nhân. Các chính phủ ở châu Âu đã yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu công dân của họ trong biên giới quốc gia. Họ gọi đây là một dạng “chủ quyền kỹ thuật số”. Nga đã nối gót Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phép chính phủ chặn hoàn toàn internet.

GIA NGHI

;
;
.
.
.
.
.