Trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường nâng cao năng lực quốc phòng gần Biển Đen, nước thành viên Romania đang xây dựng căn cứ quân sự lớn nhất của liên minh này ở châu Âu.
Máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ tại một căn cứ quân sự ở Romania. Ảnh: USAF |
Ngày 18-3, Romania bắt đầu mở rộng căn cứ không quân số 57 hiện tại ở sân bay Mihail Kogălniceanu với nguồn vốn 2,7 tỷ USD. Động thái này ngay lập tức thu hút sự chú ý bởi căn cứ mới có thể được coi là biểu tượng cho sự mở rộng về phía đông của NATO khi xét về vị trí chiến lược là nằm gần thành phố cảng Constanta bên bờ Biển Đen ở phía đông bắc đất nước, giáp Ukraine.
Điểm tựa của sườn phía đông NATO
Theo Newsweek, sau khi mở rộng, căn cứ mới có quy mô bằng một thành phố nhỏ, nằm trên khu vực rộng gần 3.000ha, với sức chứa 10.000 binh sĩ NATO cùng gia đình, cũng như hệ thống đường băng, bệ phóng vũ khí và nơi chứa máy bay quân sự, kho nhiên liệu, đạn dược, thiết bị, vật liệu kỹ thuật hàng không, thiết bị mô phỏng, cơ sở cung cấp thức ăn, chỗ ở... Ngoài ra, trường học, cửa hàng và bệnh viện sẽ được xây dựng để phục vụ người thân của các binh sĩ. Euronews đã tường thuật hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản của căn cứ mới, chẳng hạn đường sá và lưới điện.
Romania được coi như điểm tựa của sườn phía đông NATO bởi nước này từ lâu là trung tâm quan trọng hỗ trợ hoạt động của liên minh quân sự NATO ở Biển Đen. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, hàng ngàn binh sĩ Mỹ tới Romania để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và tham gia hoạt động an ninh. Máy bay chiến đấu và giám sát của Mỹ thường xuyên hoạt động từ cơ sở này như một phần của hoạt động kiểm soát an ninh của NATO. Romania đang tăng cường hợp tác với các đồng minh trong NATO, đặc biệt là Mỹ trong bối cảnh Biển Đen “dậy sóng” và trở thành điểm nóng cạnh tranh chiến lược giữa Nga và Ukraine, cũng như giữa Nga và phương Tây.
Tác động đến an ninh khu vực ra sao?
Không chỉ chú ý vị trí địa lý mang tính chiến lược của căn cứ Mihail Kogălniceanu, dư luận cũng xôn xao với những câu hỏi về tính thời điểm của nó. Tại sao kế hoạch xây dựng căn cứ NATO có quy mô lớn hơn cả Ramstein (Đức) hay Aviano (Ý) được công bố vào thời điểm này? và liệu dự án với vốn đầu tư lớn như vậy có tạo gánh nặng cho một đất nước với nền kinh tế có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các nước châu Âu khác?
Theo giới quan sát, khi căn cứ mới đi vào hoạt động, NATO có thể duy trì quyền kiểm soát cả trên không và trên bộ dọc theo khu vực Biển Đen từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Romania. Với vị trí nằm gần cảng Constanta bên bờ Biển Đen, căn cứ mới của NATO sẽ được xây dựng chỉ cách biên giới Ukraine 130km và cách thành phố cảng Odessa khoảng 300km. Theo Spunik, cảng Сonstanta từ lâu đã trở thành một phần của “hành lang phía nam” vận chuyển vũ khí tới Ukraine mà lâu nay Nga liên tục chỉ trích. Đáng chú ý, có biên giới trên biển thực tế giữa Romania và Nga bởi bán đảo Crimea vốn được Nga sáp nhập vào năm 2014 có chung đường biên giới trên biển với Romania. Rõ ràng, căn cứ mới cho thấy nỗ lực rất nghiêm túc của NATO do Mỹ dẫn dắt nhằm kiểm soát khu vực rộng lớn như vậy.
Trong những thập niên qua, NATO xây dựng loạt căn cứ nhỏ ở các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw bên bờ Biển Đen. Ngoài các căn cứ ở Kosovo mà Mỹ đã xây dựng trong 10 năm qua, chưa bao giờ có cơ sở nào có quy mô lớn như vậy ở khu vực Balkan. Do đó, Sputnik dẫn lời ông Leonid Reshetnikov, Trung tướng nghỉ hưu của Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), nhận định, căn cứ ở Romania chắc chắn đặt ra thách thức đối với an ninh của Nga, các hoạt động của lực lượng vũ trang Nga ở khu vực Biển Đen, cũng như mối quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chính sách độc lập hoặc tự chủ của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Tuy nhiên, theo ông Reshetnikov, Nga có thể tạo đối trọng với mối đe dọa từ các cơ sở mới của NATO ở Romania bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực phía Tây Nam và đạt các mục tiêu của hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nga có thể lập “vùng đệm” ở Ukraine? Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024 gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga có thể buộc phải tạo ra “vùng đệm” tại các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát. Tính toán này hướng đến mục tiêu duy nhất: ngăn chặn các cuộc tấn công liên tục bằng pháo và máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các khu dân cư và cơ sở dân sự của Nga. Sputnik dẫn lời nhà phân tích chính trị người Nga Sergei Poletaev, cho rằng, có các loại vùng đệm khác nhau vốn được thiết lập do thỏa thuận ngừng bắn hoặc do hành động mạnh mẽ của một trong các bên. Trong trường hợp của Nga, thì đó là loại vùng đệm được lập khi một trong các bên tổ chức một hoạt động quân sự để bảo đảm một khu vực an ninh nhất định bên ngoài biên giới của mình, với lý do thực tế là mối đe dọa đến từ một quốc gia láng giềng. |
THƯ LÊ