Quan hệ Israel - UAE trước nhiều thách thức

.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã duy trì liên hệ với Israel trong suốt xung đột ở Gaza nhưng mối quan hệ được xây dựng dựa trên thỏa thuận song phương do Mỹ làm trung gian đang chịu áp lực khi sự không hài lòng với Israel ngày càng gia tăng.

Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) gặp Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan của Abu Dhabi tại UAE vào năm 2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) gặp Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan của Abu Dhabi tại UAE vào năm 2022. Ảnh: Reuters

Thách thức đe dọa Hiệp định Abraham

Rõ ràng có một số xáo trộn trong mối quan hệ hợp tác UAE - Israel và không chỉ ở cấp chính phủ mà còn đối với các doanh nghiệp. Chỉ một vài năm trước, rất nhiều công dân của UAE ca ngợi mối quan hệ đang chớm nở của đất nước của họ với Israel sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương (Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa các nước Hồi giáo vùng Vịnh với Israel) do Mỹ làm trung gian vào năm 2020. Các quan chức Mỹ, UAE và Israel từng dự đoán, thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình trên khắp Trung Đông.

Tuy nhiên, giờ đây, khi cuộc không kích kéo dài hàng tháng của Israel vào Dải Gaza dẫn đến sự phẫn nộ gia tăng khắp khu vực, những người ủng hộ thỏa thuận này ngày càng khó tìm thấy. Các doanh nhân UAE liên tiếp rời khỏi hội đồng doanh nghiệp UAE-Israel khi họ cho rằng hiệp định này chỉ là nỗ lực của giới chức UAE nhằm lấy lòng các đồng minh phương Tây. Theo Viện Chính sách Cận Đông Washington, một tổ chức nghiên cứu thường ủng hộ Israel, có đến 71% những người được khảo sát tại UAE nói rằng các hiệp định này đang có tác động tiêu cực đối với khu vực của họ.

Theo New York Times, các nhà phân tích cho rằng, cả UAE và Israel đều không muốn từ bỏ thỏa thuận bởi đây vẫn là huyết mạch ngoại giao đối với Israel trong bối cảnh mối quan hệ của nước này với các nước Arab khác đang rạn nứt và thỏa thuận này cũng đã mang lại cho UAE hàng tỷ USD thương mại và quan hệ tích cực ở các quốc gia phương Tây. Israel đặc biệt mong muốn hiệp định này như bước tiến quan trọng hướng tới nỗ lực hội nhập sâu rộng hơn vào Trung Đông, nơi các nước Arab từ lâu đã cô lập Israel vì cách đối xử với người Palestine cũng như quyền kiểm soát Gaza và Bờ Tây.

Tuy nhiên, quỹ đạo hiện tại của cuộc chiến ở Gaza không phải là dự báo tốt cho các hiệp định hay an ninh của Trung Đông, và Hiệp định Abraham là ví dụ điển hình. Các quan chức y tế Gaza cho biết, sự tức giận đối với Israel và đồng minh chính của họ là Mỹ, đã gia tăng mạnh mẽ trong thế giới Arab trong lúc chiến sự Gaza vẫn tiếp diễn với số người thiệt mạng không ngừng tăng. Kể từ khi xung đột bùng nổ vào tháng 10-2023, có hơn 30.000 người Palestine thiệt mạng và hai triệu người khác phải đối mặt với tình trạng vô gia cư, nguy cơ thiếu đói và hệ thống y tế sụp đổ. Cho đến nay, các quan chức UAE tập trung viện trợ cho Gaza, có những lời lẽ ngày càng gay gắt đối với Israel, kêu gọi ngừng bắn và ủng hộ thành lập nhà nước Palestine.

Nỗ lực làm trung gian của UAE

Đối với một số nhà lãnh đạo Arab vẫn duy trì quan hệ với Israel, tình hình ở Gaza đã buộc họ phải xem xét lại mối quan hệ với nước này. Jordan đã triệu hồi đại sứ ở Israel về nước trong khi các quan chức Ai Cập cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào buộc người dân Gaza tràn vào lãnh thổ nước láng giềng Ai Cập đều có thể đe dọa sự tồn tại cho hiệp ước song phương kéo dài hàng thập kỷ với Israel. Đến nay, các đại sứ của Israel tại Bahrain, Maroc và Ai Cập phần lớn vẫn chưa trở lại nước sở tại kể từ khi xung đột nổ ra.

Căng thẳng ngoại giao đã khiến Đại sứ quán và Lãnh sự quán Israel tại UAE trở thành cơ quan ngoại giao duy nhất hoạt động đầy đủ chức năng trong thế giới Arab. Trong lúc một số hãng hàng không quốc gia của các nước Arab cũng đình chỉ các chuyến bay khiến UAE trở thành quốc gia duy nhất ở Trung Đông có chuyến bay thẳng đến Israel.

New York Times dẫn tuyên bố gần đây của chính phủ UAE nhấn mạnh cách các quan chức nước này chủ động tận dụng mối quan hệ của họ với Israel để tạo điều kiện thuận lợi trong viện trợ nhân đạo cho người Gaza, cũng như đưa những người ở Gaza bị thương trong xung đột đến UAE để chữa trị. Điều này cho thấy UAE tin rằng liên lạc ngoại giao và chính trị rất quan trọng trong những thời điểm khó khăn lúc này.

Mỹ, Israel chỉ trích lẫn nhau
Lãnh đạo chính phủ Israel và Mỹ tiếp tục thể hiện sự bất đồng quan điểm sâu sắc về cuộc chiến tại Dải Gaza. Tờ Guardian cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây chỉ trích cách tiếp cận của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với chiến sự ở Gaza.

Ông Biden nêu bật sự quan ngại trước việc có nhiều dân thường thiệt mạng tại Gaza, đồng thời nhấn mạnh rằng kế hoạch tấn công của quân đội Israel vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza là “giới hạn đỏ” và lập trường của ông Netanyahu đang gây bất lợi cho lợi ích của Israel. Trong tuyên bố đáp trả trên Politico vào tối 10-3, ông Netanyahu khẳng định, bản thân đang hành động vì lợi ích của đất nước và cũng nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân Israel trong cuộc chiến ở Gaza. 

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.