Số phận của TikTok trở thành vấn đề gây tranh cãi trong xã hội cũng như các nhà lập pháp Mỹ nhiều năm qua. Trong đó, Mỹ hết sức quan tâm việc Trung Quốc sở hữu TikTok vì những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu và các lỗ hổng an ninh mạng, đặc biệt ứng dụng này có thể bị lợi dụng để gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.
Trong bối cảnh gia tăng áp lực từ nhiều phía, với sự ủng hộ của lưỡng đảng, ngày 13-3, Hạ viện Mỹ thông qua một dự luật theo đó buộc hãng ByteDance của Trung Quốc phải thoái vốn của họ ở Mỹ khỏi Tiktok trong vòng 6 tháng tới, nếu không, ứng dụng này sẽ bị cấm ở Mỹ. Tuy nhiên, một số nhóm cổ súy cho quyền kỹ thuật số đã phản đối lệnh cấm TikTok vì lý do tự do ngôn luận và cho rằng dự luật mới nhất sẽ vi phạm quyền của những người Mỹ dựa vào ứng dụng này để tìm hiểu thông tin, phục vụ việc vận động và để giải trí.
Dự luật cũng là tin xấu đối với lớp trẻ và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ vốn lâu nay dựa vào nền tảng tiếp thị hoặc bán sản phẩm trên TikTok Shop. Nó cũng sẽ tác động cuộc sống của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội như văn nghệ sĩ..., những người đã dành nhiều năm nuôi dưỡng lượng người theo dõi của họ trên nền tảng này và dựa vào đó để có được các giao dịch thương hiệu hoặc các loại thu nhập khác.
Trong khi đó, nhằm phản đối dự luật của Quốc hội Mỹ, TikTok phát động chiến dịch vận động hành lang, bao gồm huy động cơ sở người dùng của TikTok. Phát ngôn viên của TikTok xác nhận, ứng dụng này đã gửi thông báo cho nhiều người dùng Mỹ trên 18 tuổi. Thông báo cho rằng “chính phủ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người Mỹ”. TikTok cũng khuyến khích người dùng liên hệ với các thành viên của Quốc hội để phản đối dự luật này. Thậm chí Giám đốc điều hành TikTok, ông Chu Thụ Tư, đến Điện Capitol để trình bày với các nghị sĩ Mỹ song cũng cho biết: “Dự luật này có kết cục đã được định trước: cấm hoàn toàn TikTok ở Mỹ”.
Tuy nhiên, để dự luật có hiệu lực nó còn phải đi qua hai “cửa ải” nữa là phải đối mặt với lộ trình bất định tại Thượng viện, nơi có một số thượng nghị sĩ ủng hộ cách làm khác trong việc quản lý các ứng dụng do nước ngoài sở hữu có thể gây lo ngại về an ninh, và sự phê chuẩn của tổng thống.
Các nhà quan sát cho rằng, với sự ảnh hưởng quan trọng của TikTok đối với người dùng Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, quan điểm của các ứng cử viên tổng thống về việc cấm hay không cấm ứng dụng này sẽ có tác động nhất định đến lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới. Hồi tháng trước, trong chiến dịch vận động tranh cử, Tổng thống Joe Biden sử dụng TikTok nhưng ông cho biết sẽ ký ban hành dự luật nếu được hai viện của Quốc hội thông qua.
Ở khía cạnh đáng chú ý khác, trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, ông Donald Trump nhiều lần thể hiện tự hào vì thái độ cứng rắn với Trung Quốc, nêu ra chuyện áp mức thuế cao đối với hàng hoá Trung Quốc mà vẫn được duy trì đến hiện tại. Tuy nhiên, khi đạo luật về TikTok được thúc đẩy với tốc độ cực nhanh ở Quốc hội, ông Trump lại lên tiếng phản đối cấm ứng dụng này khi lập luận rằng nếu Mỹ đóng cửa với TikTok, các đối thủ cạnh tranh như Facebook sẽ có lợi thế quá mức.
Như vậy, rất nhiều “cửa ải” đặt ra cho dự luật của Hạ viện Mỹ để cấm hay không cấm TikTok là: Có được Thượng viện thông qua và tổng thống ký ban hành dự luật, hay ByteDance chủ nhân của nó có chấp nhận thoái vốn hay không, cũng như sự phản kháng của dư luận... là một câu chuyện không dễ dàng gì hiện nay trên chính trường nước Mỹ vốn đan xen những yếu tố bất ngờ, như việc ông Trump từng ra lệnh cấm nay lại quay lại ủng hộ TikTok.
LÊ MINH HÙNG