"Thảm kịch" lãng phí lương thực toàn cầu

.

Tình trạng đói nghèo hiện nay trên thế giới thường được cho là do thiếu thực phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề này, thực trạng thất thoát và lãng phí thực phẩm dưới nhiều nguyên nhân khác nhau vô hình trung làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo, nhất là ở các nước chậm phát triển và bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu.

CNN dẫn báo cáo Chỉ số lãng phí thực phẩm mới nhất do Liên Hợp Quốc (LHQ) phối hợp thực hiện với tổ chức phi lợi nhuận WRAP công bố vào ngày 27-3 cho biết, hơn 1 tỷ tấn thực phẩm, tương đương gần 20% tổng số thực phẩm hiện có trên thị trường toàn cầu bị vứt bỏ trong năm 2022.

Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn trong số thực phẩm lãng phí đó là từ các hộ gia đình, tạo ra nghịch lý đau lòng trong khi trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người đang trong cơn đói. Theo đó, tỷ lệ thực phẩm bị vứt bỏ tại các cơ sở dịch vụ như nhà hàng và khách sạn chiếm 28% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí. Con số này ở các cửa hàng bán lẻ như cửa hàng thịt, rau củ là 12%. Còn tỷ lệ ở các hộ gia đình là lớn nhất với 60%. Như vậy, với số thực phẩm lãng phí này cũng đủ để có thể nuôi sống người dân ở cả các châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong một năm.

Trong khi đó, khoảng 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất phục vụ nhu cầu của con người bị thất thoát hoặc lãng phí trong quá trình từ nông trại đến bàn ăn. Trong đó, một phần thực phẩm bị người tiêu dùng vứt bỏ sau khi mua và số còn lại bị thất thoát trong quá trình thu hoạch, chế biến và vận chuyển. AP dẫn lời Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen mô tả lãng phí thực phẩm là “thảm kịch toàn cầu”, đặc biệt trong lúc có hàng triệu người đang sống trong cảnh đói ăn.

Thất thoát và lãng phí thực phẩm gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 1.200 tỷ USD/năm. Đến năm 2030 sẽ có khoảng 2,1 tỷ tấn thực phẩm (trị giá tương đương 1.500 tỷ USD/năm) sẽ bị thất thoát, nghĩa là mỗi giây trên thế giới có khoảng 66 tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân. Ở khâu sản xuất, chế biến thực phẩm (đối với các nước đang phát triển) và ở khâu phân phối của các nhà bán lẻ và người tiêu dùng ‘’quá tay’’ trong việc mua thực phẩm hoặc thực phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức (đối với các nước phát triển).

Sự thất thoát và lãng phí thực phẩm không chỉ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, khiến tình trạng mất an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và suy dinh dưỡng toàn cầu ngày càng thêm trầm trọng, mà còn gây lãng phí lớn về tài nguyên, quỹ đất, nguồn nước, vật tư nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch... dùng cho sản xuất thực phẩm. Đồng thời, nó cũng là tác nhân ảnh hưởng môi trường toàn cầu do gia tăng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng này, các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã tổ chức nhiều chương trình hành động cụ thể. Chẳng hạn, “Too good to Go” là một trong những ứng dụng phổ biến để giảm tình trạng vứt bỏ đồ ăn thừa. Ứng dụng này kết nối các cửa hàng với những người muốn mua đồ ăn dưa thừa hoặc sắp hết hạn. Công ty sở hữu bản quyền “Too good to Go” có trụ sở tại Copenhague (Đan Mạch) đã ký hợp đồng tại 11 quốc gia với sự tham gia của 25.000 nhà hàng và tiệm bánh. Đồ ăn được bán qua ứng dụng này có giá chỉ bằng 1/3 so với giá gốc. Đến nay, 13 triệu người đã sử dụng ứng dụng này để mua hàng giảm giá.

Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng lệnh cấm các siêu thị vứt bỏ thức ăn không sử dụng mà thay vào đó mang ủng hộ các tổ chức từ thiện. Quy định trên có hiệu lực với tất cả siêu thị có diện tích từ 400m2 trở lên và nhà chức trách áp dụng mức phạt 3.750 euro nếu vi phạm. Tại Úc, Tổ chức Nghiên cứu khoa học và Công nghệ (CSIRO) thử nghiệm thành công biến súp lơ và bông cải xanh bỏ đi thành thuốc bổ.

LÊ MINH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.