Tổng thống đắc cử Indonesia

Kế thừa di sản nhưng vẫn tạo dấu ấn?

.

Rốt cuộc Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đắc cử Tổng thống sau 3 lần ra tranh cử hơn 10 năm qua. Giờ là lúc ông Prabowo bắt tay vào hiện thực hóa những ấp ủ và cam kết trong hành trình lèo lái đất nước trong 5 năm tới.

Ông Prabowo Subianto sẽ trở thành tổng thống thứ 8 của Indonesia. Ảnh: Getty Images
Ông Prabowo Subianto sẽ trở thành tổng thống thứ 8 của Indonesia. Ảnh: Getty Images

Theo Jakarta Post, ngày 20-3, ông Prabowo (72 tuổi) được công nhận là người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 14-2 với gần 60% phiếu bầu, và sẽ trở thành Tổng thống thứ 8 của Indonesia. Ông Prabowo dự kiến tiếp quản cương vị vào tháng 10-2024. Chiến thắng báo hiệu chính phủ mới nhiều khả năng tiếp tục chính sách của người tiền nhiệm Joko Widodo khi ông sẽ rời nhiệm sở sau một thập niên nắm quyền.

Kế thừa “Jokowinomics”

Con đường “không chỉ có hoa hồng” đang chờ đợi tân Tổng thống Indonesia bởi chiến thắng của ông đến vào đúng thời điểm Indonesia đang xoay xở vượt qua những thách thức lớn như cơ cấu kinh tế còn bất cập, tốc độ tăng trưởng không bền vững, tệ nạn tham nhũng; nguy cơ xung đột sắc tộc. Do đó, cử tri kỳ vọng ông Prabowo cùng “phó tướng” Gibran Rakabuming Raka (con trai của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko Widodo) tiếp tục thúc đẩy các chính sách vốn đang phát huy hiệu quả của chính phủ tiền nhiệm, giải quyết các vấn đề còn tồn tại và nâng cao vị thế của Indonesia trên trường quốc tế.

Trong bài phát biểu ngày 20-3, ông Prabowo tái cam kết ủng hộ và kế thừa “Jokowinomics”, học thuyết kinh tế thời Tổng thống Widodo (dựa trên phát triển hạ tầng và khai thác nguồn dự trữ niken khổng lồ) làm kim chỉ nam nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, giải quyết tình trạng quan liêu và mang lại sự tăng trưởng và thịnh vượng cho nền kinh tế nghìn tỷ USD duy nhất trong ASEAN và là nước duy nhất trong khu vực thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Chính phủ mới sẽ tăng tốc dự xây dựng thủ đô mới Nusantara ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo để  thay thế Jakarta và hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước.

“Chúng tôi sẽ sử dụng nền tảng vững chắc mà ông Widodo đã xây dựng, đặc biệt về kinh tế, để làm việc nhanh hơn, chăm chỉ hơn và mang lại kết quả tốt nhất, nhanh nhất cho người dân Indonesia”, ông Prabowo nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nếu ông tiếp tục thực hiện các chính sách của người tiền nhiệm, trong đó tập trung đầu tư vào khai thác mỏ (chỉ chiếm 1% tổng số việc làm) thì khó có thể cải thiện việc sử dụng nguồn lực lao động của Indonesia và có thể khiến tăng trưởng GDP giảm.

Ưu tiên đối ngoại có gì?

Lúc này dư luận đặc biệt quan tâm những điểm nhấn trong chính sách đối ngoại của xứ sở vạn đảo dưới sự dẫn dắt của “vị thuyền trưởng” mới, bởi Indonesia là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng trên đường biển quốc tế giao lưu giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Học giả Veeramalla Anjaiah, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá lâu nay Indonesia theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và chủ động. Hơn nữa, ông Prabowo được biết đến là nhà lãnh đạo có tư duy chiến lược và là người theo chủ nghĩa dân tộc, chú trọng các khía cạnh quốc phòng. Do đó, ông Prabowo được kỳ vọng sẽ cơ bản “nối gót” chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm để mang lại sự ổn định và nhất quán trong cách tiếp cận quan hệ quốc tế của Indonesia.

Trước đó, ông Widodo đã tạo bước chuyển mạnh mẽ theo hướng thực dụng, hướng nội, dân tộc chủ nghĩa, đặt lợi ích kinh tế lên trên; ưu tiên song phương đi vào thực chất hơn là đa phương trong quan hệ với đối tác quan trọng và nước lớn, đặc biệt cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đồng thời tránh việc phải chọn lựa. Với vai trò là thành viên nổi bật của ASEAN, Indonesia sẽ tiếp tục ưu tiên hợp tác hoặc đầu tư kinh tế rộng và sâu hơn với các nước thành viên ASEAN; nâng cao đoàn kết trong khối.

Tuy nhiên, ông Prabowo có thể chuyển hướng chính sách đối ngoại của Indonesia theo hướng tập trung vào an ninh hơn, trong khi người tiền nhiệm Jokowi duy trì chính sách đối ngoại khiêm tốn và chủ yếu gia tăng sức mạnh kinh tế. Ý định này từng được tuyên bố trong trong chiến dịch tranh cử khi ông Prabowo nói rằng Indonesia sẽ vẫn là cường quốc đứng ngoài khối chỉ tìm kiếm tình hữu nghị đồng thời khẳng định sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự. Điều này cũng dễ hiểu bởi ông có kinh nghiệm khi từng giữ chức chức Bộ trưởng Quốc phòng và đã đi đầu trong các nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang Indonesia.

Ông Subianto từng trải qua nhiều sóng gió trong sự nghiệp, ba lần ra tranh cử trước khi giành chiến thắng vang dội trong bầu cử lần này. Sự nổi tiếng của ông tăng vọt với sự ủng hộ của các cử tri trẻ tuổi, nhất là trên mạng xã hội như TikTok, và đặc biệt là sau khi ông chọn con trai ông Widodo làm bạn đồng hành của mình. Sự lựa chọn này được đánh giá là “sáng suốt” khi ông đồng thời nhận được sự ủng hộ của người tiền nhiệm và hưởng lợi từ những thành quả trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp của ông Widodo.

THƯ LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.