Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của mình với số phiếu bầu cao nhất từ trước đến nay. Việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 6 năm tiếp theo không nằm ngoài dự đoán và giờ đây dư luận đang hướng sự chú ý tới ưu tiên đối nội và đối ngoại của ông trong nhiệm kỳ mới, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ 5 của mình với số phiếu bầu cao nhất từ trước đến nay. Việc ông Putin tiếp tục lãnh đạo đất nước trong 6 năm tiếp theo không nằm ngoài dự đoán và giờ đây dư luận đang hướng sự chú ý tới ưu tiên đối nội và đối ngoại của ông trong nhiệm kỳ mới, đặc biệt là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. |
Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga từ ngày 15 đến 17-3, ông Putin (71 tuổi), giành chiến thắng vang dội với 87,97% phiếu bầu, mức cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Nga, theo thăm dò của tổ chức thăm dò ý kiến công chúng (FOM). Chiến thắng mở đường đưa ông đi vào lịch sử với tư cách nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất ở Nga trong hơn 200 năm.
Ưu tiên hàng đầu
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng ngày 18-3, Tổng thống Putin nhấn mạnh đến những ưu tiên trong nhiệm kỳ mới. Thực ra, những nhiệm vụ chính về đối nội và đối ngoại của Nga trong 6 năm tới đã được đề cập trong Thông điệp liên bang mà chính ông Putin đọc gần đây. Song, theo TASS, Tổng thống Putin tái khẳng định và làm rõ thêm các mục tiêu trọng tâm sắp tới để bảo đảm đất nước vững chắc hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn, trong đó ưu tiên giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine; tăng cường khả năng phòng thủ và củng cố lực lượng vũ trang.
Về quan hệ với phương Tây và nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Putin cảnh báo sự hiện diện của binh sĩ phương Tây ở Ukraine có thể đẩy thế giới đến bờ vực Thế chiến 3. Ông Putin cho biết, mối quan hệ Nga-Trung Quốc vốn hình thành trong hai thập niên qua sẽ luôn bền chặt và tương trợ nhau, đồng thời tiếp tục phát triển hơn nữa khi hai nước có nhiều điểm chung về kinh tế và chính sách đối ngoại.
Đối lập với sự khó chịu của phương Tây về chiến thắng lần này của ông Putin chính là tín hiệu tốt đối với các nước ở Nam bán cầu, gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á. Các nhà quan sát nhìn nhận chiến thắng của ông Putin mang lại ý nghĩa to lớn cho các nước Nam bán cầu, đáng chú ý nhất là khối BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) với sự góp mặt của Ấn Độ.
Sputnik News dẫn lời Tiến sĩ Anuradha Chenoy từ Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho rằng, trong nhiệm kỳ tiếp theo, Tổng thống Putin có thể sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với khu vực này. Thực tế, Nam bán cầu hiện rất cần phát triển kinh tế và cũng muốn có quyền lựa chọn con đường phát triển riêng mà không bị chị phối từ thực thể bên ngoài. Họ cần sự hỗ trợ vô điều kiện cho quá trình phát triển này. Vì vậy, họ hy vọng Tổng thống Putin để thúc đẩy nỗ lực này. Nếu so sánh với cách tiếp cận của phương Tây đối với Nam bán cầu, đặc điểm nổi bật trong chiến lược của Nga là hỗ trợ vô điều kiện và quan hệ đối tác bình đẳng.
Thước đo của niềm tin
Điểm đáng chú ý trong cuộc bầu cử lần này là tỷ lệ người dân đi bầu cũng như số phiếu ủng hộ ông Putin đều ở mức cao kỷ lục, đúng như tinh thần lời kêu gọi trước đó của ông Putin rằng “đi bầu là thể hiện lòng yêu nước”. Vì tham gia cuộc đua mà không có đối thủ nào nổi trội, ông Putin bước vào cuộc bầu cử năm nay không khác gì nhân vật chính trong của “cuộc trưng cầu ý dân”. Theo Spunik News, chiến thắng thuyết phục của ông Putin sẽ làm thất bại mọi nỗ lực chia rẽ xã hội Nga trong bối cảnh này; tiếp tục truyền cảm hứng cho người dân Nga phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc để chống lại mọi thách thức từ phương Tây.
Vì sao lần này ông Putin lại đạt tỷ lệ bầu chọn cao nhất trong 5 lần tái tranh cử chức tổng thống? Các nhà quan sát chỉ ra một số yếu tố tác động lá phiếu cử tri Nga. Việc phương Tây áp số lệnh trừng phạt ở mức độ lớn nhất và nghiêm khắc nhất lên nước Nga có thể khiến người Nga càng thêm ủng hộ ông Putin. Điều quan trọng hơn hết chính là cử tri Nga hoàn toàn tin rằng chỉ có ông Putin mới có đủ khát vọng, trí tuệ và quyết tâm để đưa đất nước duy trì tăng trưởng kinh tế bất ngờ và sức mạnh quân sự có bước tiến vượt trội hơn Mỹ và đồng minh phương Tây như hiện nay, bất chấp “bão trừng phạt”.
Giờ đây, kết quả cuộc bầu cử ở Nga lại khiến phương Tây vướng vào mối lo ngại mới về những thay đổi cục diện xung đột ở Ukraine mà họ không mong muốn khi Nga sẽ tiếp tục đi theo đường lối của ông Putin trong khi các nước phương Tây trở nên mệt mỏi và bất hòa về viện trợ Ukraine và khả năng ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến Mỹ lạnh nhạt với NATO.
THƯ LÊ