Dư luận xôn xao trước thông tin Tập đoàn Công nghệ khai phá không gian (SpaceX) của tỷ phú Mỹ Elon Musk đang xây dựng mạng lưới vệ tinh do thám khổng lồ cho tình báo Mỹ để theo dõi hầu hết mục tiêu toàn cầu.
Tên lửa Falcon9 của SpaceX chuẩn bị được phóng từ Florida, Mỹ ngày 3-3. Ảnh: AFP |
Tiết lộ được đưa ra khi các cơ quan quân sự và tình báo ở Mỹ, cũng như các nơi khác, ngày càng phụ thuộc vào SpaceX, đặc biệt là mạng lưới vệ tinh Starlink. Sự thống trị của SpaceX trên thị trường internet vệ tinh mang lại cho tỷ phú Musk quyền lực to lớn trong các vấn đề chiến sự và địa chính trị.
Phạm vi do thám toàn cầu
Ngày 16-3, Reuters dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, mạng lưới do thám đang được đơn vị kinh doanh Starshield của SpaceX xây dựng theo hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD được ký vào năm 2021 với Văn phòng Trinh sát quốc gia Mỹ (NRO), cơ quan tình báo quản lý các vệ tinh do thám. Mạng lưới gồm hàng trăm vệ tinh hoạt động theo “bầy đàn” ở quỹ đạo Trái đất thấp, theo dõi và chia sẻ thông tin về mục tiêu trên mặt đất.
Về lý thuyết, điều này cho phép chính phủ và quân đội Mỹ nhanh chóng thu thập liên tục hình ảnh về hoạt động ở hầu hết vị trí trên thế giới, hỗ trợ hoạt động tình báo và quân sự. Nói một cách dễ hiểu, nếu mạng lưới này đi vào hoạt động, không có điều gì và bất cứ ai có thể trốn khỏi con mắt cảnh giác của Mỹ. Điểm mạnh khác là Starshield cũng không dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công của các cường quốc không gian đối thủ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ mạng lưới vệ tinh mới sẽ bắt đầu hoạt động khi nào hoặc có những công ty nào khác cùng tham gia dự án này.
Theo Reuters, kể từ năm 2020, SpaceX phóng các vệ tinh nguyên mẫu của Starshield cùng với trọng tải dân sự bằng tên lửa Falcon 9 trước khi đạt hợp đồng. Thông tin này càng được củng cố khi vào tháng 2-2024, Wall Street Journal cũng đưa tin về sự tồn tại của hợp đồng bí mật giữa Starshield với một cơ quan tình báo không xác định. Do đó, báo cáo của Reuters lần đầu tiên tiết lộ các thông tin chi tiết về hợp đồng này. SpaceX và Lầu Năm Góc đều chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận về thông tin trên song NRO xác nhận đang phát triển hệ thống trinh sát, giám sát và tình báo tinh vi trên không gian có khả năng, đa dạng và linh hoạt nhất mà thế giới từng thấy.
Starshield không liên quan tới Starlink - nhóm gồm 5.500 vệ tinh trong không gian nhằm cung cấp dịch vụ internet phục vụ mục đích dân sự. Starshield giúp mở rộng đáng kể khả năng viễn thám của chính phủ Mỹ và tăng cường khả năng ứng phó với cuộc tấn công từ các thế lực phức tạp khác trong không gian. Hiện, vệ tinh tình báo được săn đón nhiều nhất bởi vai trò quan trọng trong cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ và các đối thủ để trở thành cường quốc quân sự thống trị không gian. Vệ tinh do thám ở quỹ đạo thấp có thể cung cấp hình ảnh trên bề mặt Trái đất gần như liên tục và nhanh hơn nhiều so với vệ tinh do thám trên tàu vũ trụ cồng kềnh, đắt tiền ở quỹ đạo cao hơn. Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng các chòm sao vệ tinh của riêng mình và Lầu Năm Góc cảnh báo về chương trình không gian của Nga vốn có khả năng vô hiệu hóa toàn bộ mạng lưới vệ tinh của các nước khác. |
SpaceX tham gia sâu hơn vào hoạt động quân sự?
Hợp đồng này báo hiệu sự tin tưởng ngày càng tăng của cơ sở tình báo Mỹ đối với SpaceX bất chấp ông Musk có bất hòa với chính quyền Tổng thống Joe Biden và tranh cãi xung quanh việc sử dụng kết nối vệ tinh Starlink trong xung đột ở Ukraine, qua đó thúc đẩy mức độ tham gia ngày càng tích cực hơn của SpaceX vào các dự án quân sự và tình báo của Mỹ. Trong khi đó, cái bắt tay với nhà khai thác vệ tinh lớn nhất thế giới này cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ đang đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống vệ tinh rộng lớn quanh Trái đất nhằm hỗ trợ lực lượng trên mặt đất.
Thông tin hợp tác giữa SpaceX và cơ quan tình báo Mỹ gây bất ngờ trong bối cảnh doanh nghiệp này bị một số thành viên Quốc hội Mỹ giám sát chặt chẽ về vai trò của vệ tinh Starlink trong xung đột ở Ukraine. Các thiết bị đầu cuối internet vệ tinh của Starlink là phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng và hoạt động quân sự của Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra, SpaceX cung cấp khoảng 20.000 thiết bị đầu cuối Starlink cho Ukraine để hỗ trợ nước này duy trì liên lạc và vận hành máy bay không người lái chiến đấu dọc tiền tuyến.
Tuy nhiên, với lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, ông Musk từ chối yêu cầu của Ukraine về việc sử dụng mạng Starlink để hỗ trợ các cuộc tấn công vào Hạm đội Biển Đen của Nga do lo ngại doanh nghiệp này sẽ liên quan hành động leo thang xung đột nghiêm trọng. Đáng chú ý, đầu tháng này, các nhà lập pháp Mỹ tiến hành cuộc điều tra về SpaceX sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sử dụng dịch vụ vệ tinh Starlink trên chiến tuyến xung đột. Tỷ phú Musk bác bỏ cáo buộc và nhấn mạnh không có thiết bị Starlink nào được bán trực tiếp cũng như gián tiếp cho Nga. Điện Kremlin cũng khẳng định quân đội Nga chưa bao giờ đặt mua thiết bị đầu cuối Starlink.
THƯ LÊ