Việc lực lượng đặc biệt của Ecuador tấn công Đại sứ quán Mexico ở Quito (thủ đô Ecuador) là một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất tại Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Đây là cuộc đột kích gần như chưa từng có tiền lệ vào một trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài ở nước tiếp nhận vốn là nơi bất khả xâm phạm.
Cảnh sát đặc nhiệm Ecuador bất ngờ đột nhập Đại sứ quán Mexico tại thủ đô Quito để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Jorge Glas vào ngày 5-4. Ảnh: AP |
Vụ đột kích nhằm bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas - người hai lần bị kết án vì tội tham nhũng và đang bị truy nã - đã trú ẩn trong Đại sứ quán Mexico từ tháng 12-2023. Chính phủ Mexico cấp quyền tị nạn chính trị cho ông Jorge Glas vào ngày 5-4 và từ chối yêu cầu bắt giữ ông của Ecuador. Vụ việc khiến Ecuador dường như mất kiên nhẫn và đây là nguồn cơn dẫn đến vụ đột kích chấn động cùng ngày.
Làn sóng chỉ trích
Theo CNN, Ecuador hứng chịu làn sóng chỉ trích từ các nước Mỹ Latinh, thậm chí bị cắt đứt quan hệ, sau khi lực lượng an ninh xông vào Đại sứ quán Mexico, trong đó ít nhất một đặc vụ được cho là đã trèo qua nhiều bức tường của cơ quan này, để bắt giữ ông Glas. Tại thời điểm xảy ra sự cố, nhiều nhân viên ngoại giao Mexico, gồm cả Tham tán Công sứ Roberto Canseco, bị các lực lượng chức năng Ecuador tấn công thô bạo và để lại nhiều thương tích. CNN dẫn lời Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld thanh minh rằng cuộc đột kích là giải pháp hợp lý nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ ông Glas có thể trốn tránh công lý. Cho đến nay, chỉ có một số ít trường hợp đột kích vào các đại sứ quán được ghi nhận như vậy.
Vụ việc ngày 5-4 là “giọt nước tràn ly” sau chuỗi căng thẳng ngoại giao liên tục giữa Ecuador và Mexico trong thời gian qua. Ngay sau vụ đột kích, Chính phủ Mexico tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ecuador và rút ngay lập tức toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước; đồng thời tuyên bố sẽ khởi kiện chính phủ Ecuador lên Tòa án Công lý quốc tế. Nicaragua sau đó “nối gót” Mexico, trong khi các chính phủ trên khắp khu vực Mỹ Latinh, gồm Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Peru, Cuba, Bolivia và Venezuela, cũng bày tỏ sự bất bình.
Theo AFP, ngày 7-4, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres , xác nhận ông Guterres kêu gọi cả Ecuador và Mexico thể hiện sự ôn hòa, giải quyết những khác biệt thông qua biện pháp hòa bình. Trong khi đó, Mỹ kêu gọi hai nước giải quyết những khác biệt phù hợp các chuẩn mực quốc tế. CNN dẫn lời ông Eric Farnsworth, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện đứng đầu văn phòng Hội đồng châu Mỹ và Hiệp hội châu Mỹ tại Washington, chỉ trích động thái của Ecuador là “bốc đồng và không cần thiết”.
Vụ đột kích vi phạm điều gì?
Trong thông báo trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mexico Alicia Bárcena nêu rõ đây là hành động không chỉ vi phạm thô bạo Công ước Vienne về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, mà còn thể hiện rõ sự coi thường cao độ chuẩn mực cũng như nhận thức phổ quát về quan hệ quốc tế. Theo Công ước Vienne, điều ước điều chỉnh quan hệ quốc tế, quy định một quốc gia không được phép xâm phạm các đại sứ quán nằm trên lãnh thổ của mình. AP dẫn lời ông Natalia Saltalamacchia, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ tự trị Mexico, cho biết, vụ đột kích này cho thấy cảnh sát Ecuador đã “xâm nhập vào lãnh thổ chủ quyền của Mexico”.
Hơn nữa, với hành vi làm bị thương các nhân viên ngoại giao trong Đại sứ quán, Ecuador cũng vi phạm một phần khác của hiệp định quan trọng này. “Việc một quốc gia như Ecuador đưa ra quyết định như vậy thực sự đang gây nguy hiểm cho tất cả đại sứ quán của các quốc gia trên thế giới bằng cách phớt lờ tiền lệ”, ông Saltalamacchia nói. Chuyên gia này cũng cho biết, với việc bắt giữ ông Glas, chính phủ Ecuador có thể đã vi phạm một thỏa thuận khu vực được gọi là Công ước về tị nạn ngoại giao năm 1954 vốn cho phép các cá nhân xin tị nạn tại các đại sứ quán.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn có một số ý kiến bảo vệ Ecuador. Theo AP, cựu Đại sứ Ecuador Jorge Icaza cho rằng, dù việc tấn công là bất hợp pháp nhưng việc cố tình bảo vệ một tên tội phạm đã bị hệ thống công lý Ecuador xử phạt trong các trường hợp rất rõ ràng thực sự là không đúng đắn, xét từ quan điểm của các tiêu chuẩn quốc tế. Ngày 5-4, Tổng thống Ecuador cũng cáo buộc Chính phủ Mexico lạm dụng quyền miễn trừ và đặc quyền được cấp cho cơ quan đại diện ngoại giao và cấp tị nạn ngoại giao trái với khuôn khổ pháp lý thông thường.
Cựu Phó Tổng thống Ecuador vừa bị bắt là ai? Ông Jorge Glas (54 tuổi) là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Rafael Correa từ năm 2013 đến 2017. Ông ra tù tháng 11-2023 sau thời gian thụ án vì nhận hàng triệu USD tiền lại quả trong vụ bê bối lớn liên quan đến một tập đoàn xây dựng khổng lồ của Brazil. Tuy nhiên, sau đó ông lại đối mặt với lệnh bắt giữ khác vì bị cáo buộc tham ô tiền dành cho nỗ lực tái thiết sau trận động đất kinh hoàng năm 2016 ở Ecuador. Khi phải đối mặt với lệnh bắt giữ mới, ông Glas tuyên bố bản thân là nạn nhân của “đàn áp chính trị”, một cáo buộc mà Chính phủ Ecuador một mực bác bỏ. Trong thông báo mới nhất của Chính phủ Ecuador, sau vụ đột kích, ông Glas đã được chuyển đến một nhà tù có an ninh tối đa ở thành phố cảng Guayaquil. |
THƯ LÊ