Lâu nay dư luận thường mặc định quan điểm rằng những chuyển động kinh tế tại các nước phát triển như phương Tây chỉ có tác động một chiều đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nước mới nổi và đang phát triển. Song, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra bằng chứng cho thấy tác động qua lại không kém cạnh giữa hai khối kinh tế phát triển và mới nổi.
Reuters dẫn báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế thế giới của IMF đăng ngày 9-4 cho biết, các cú sốc ở trong nước tại các nền kinh tế mới nổi thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang tác động ngày càng lớn đến tăng trưởng của các nước giàu.
Các nền kinh tế mới nổi, bao gồm từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến các quốc gia như Argentina với lạm phát vượt ngưỡng 250%, đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là thông qua thương mại và các chuỗi giá trị hàng hóa, và giờ đây họ không chỉ đơn thuần là nơi chịu những tác động từ các cú sốc toàn cầu như trong các thập niên trước đây. Theo IMF, 10 nền kinh tế mới nổi trong G20 là Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng hơn gấp đôi tỷ trọng trong GDP toàn cầu kể từ năm 2000.
Báo cáo của IMF cho biết, kể từ năm 2000, tác động từ các cú sốc trong nước ở các thị trường mới nổi thuộc G20 đã gia tăng và có thể so sánh ngang bằng với tác động từ các cú sốc ở các nền kinh tế phát triển. Nhìn chung, tác động lan tỏa đã tăng gần gấp ba lần kể từ đầu thập niên 2000, dẫn đầu là Trung Quốc, trong khi rủi ro từ Brazil, Ấn Độ và Mexico cũng tăng nhưng ở mức vừa phải.
Trên khắp các thị trường mới nổi G20, IMF cảnh báo mức tăng trưởng trung bình 6%/năm trong 20 năm qua sẽ chậm lại và hạ triển vọng tăng trưởng trung hạn xuống 3,7%. “Triển vọng ảm đạm đối với các nền kinh tế mới nổi trong G20 có nguy cơ lan rộng và cản trở sự tăng trưởng và phát triển trên các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển khác”, báo cáo của IMF nêu rõ; đồng thời kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần duy trì đủ vùng đệm và tăng cường khung chính sách để quản lý rủi ro từ các cú sốc tiềm ẩn. IMF cho rằng, việc xoay trục sang châu Á của nền kinh tế Nga có thể sẽ làm đổi hướng tác động này.
Đáng chú ý, Ấn Độ là ngôi sao đang lên trong bức tranh kinh tế toàn cầu với tăng trưởng bứt phá ngoạn mục. Indonesia, một nền kinh tế mới nổi khác trong G20, đang trên đường thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và hướng tới trở thành quốc gia đầu tiên đến từ Đông Nam Á gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), câu lạc bộ của những thị trường phát triển nhất thế giới. OECD đánh giá Indonesia là một nhân tố quan trọng trên toàn cầu, mang lại sự lãnh đạo quan trọng cho khu vực Đông Nam Á.
THƯ LÊ