Đại học Zurich chọn đứng ngoài đường đua lợi nhuận

.

Đại học Zurich (Thụy Sĩ), một trong những đại học danh giá nhất ở châu Âu và cũng như trên thế giới vừa quyết định rút khỏi việc tham gia đánh giá của bảng xếp hạng chất lượng các trường đại học quốc tế trên toàn cầu World University Ranking của tạp chí Times Higher Education.

Đại học Zurich (Thụy Sĩ) cam kết duy trì là tổ chức giáo dục với văn hóa học thuật ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Ảnh: Ursula Meisser/News.uzh.ch
Đại học Zurich (Thụy Sĩ) cam kết duy trì là tổ chức giáo dục với văn hóa học thuật ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Ảnh: Ursula Meisser/News.uzh.ch

Trong thông báo về quyết định này, Đại học Zurich giải thích lý do: các bảng xếp hạng thường tập trung vào số lượng báo cáo công bố thay vì ưu tiên chất lượng nghiên cứu khoa học, vì thế họ nhận thấy nhiều nhân viên của mình trở thành cỗ máy xuất bản công trình nghiên cứu để lấy danh tiếng, lợi lộc. Bảng xếp hạng đã không thể phản ánh đúng quy mô rộng rãi của hoạt động nghiên cứu và giảng dạy mà các trường đại học đang đảm nhiệm.

Nhiều tranh cãi

Nhiều phụ huynh và sinh viên thường nhìn vào xếp hạng các trường đại học khi chọn nơi theo học, tuy nhiên, nhiều trường đại học lại đang từ chối việc tham gia các bảng xếp hạng như vậy vì cho rằng chúng không phản ánh đúng và đủ những gì họ đã làm. Một trong những phàn nàn phổ biến nhất của các trường đại học về bảng xếp hạng World University Ranking là bảng này thường chuộng các trường dạy những môn nặng về thực nghiệm hơn là kinh tế và nhân văn. Tiêu biểu nhất cho vấn đề này là một scandal năm 2010 khi Trường Kinh tế London (LSE) bực bội trước việc họ bị rớt xuống vị trí 86 trong bảng xếp hạng này dù vẫn có thứ hạng cao trong những bảng xếp hạng khác. 

Ngoài ra còn có những bức xúc cho rằng bảng xếp hạng World University Ranking thiên vị các trường nói tiếng Anh vì một trong những tiêu chí đánh giá xếp hạng của họ là sử dụng các trích dẫn học thuật và các trích dẫn dễ tìm thấy nhất là bằng tiếng Anh. Năm 2021, có 7 trường đại học Ấn Độ tẩy chay bảng xếp hạng này vì thiếu minh bạch sau khi không có trường nào của Ấn Độ lọt vào top 300.

Từ lâu, những lợi ích và cả ảnh hưởng của các bảng xếp hạng trong giới học thuật là chủ đề được tranh luận rất nhiều. Nhìn chung, các bảng xếp hạng đều tập trung vào các sản phẩm có thể đo đếm được nên vô hình trung sẽ dẫn tới hệ lụy ngoài ý muốn. Một trong số đó là việc nhiều trường đại học hàng đầu chỉ tập trung tăng cường số bài báo khoa học được xuất bản thay vì nâng cao chất lượng nghiên cứu.

Đề cao chất lượng hơn số lượng

Trang web của Đại học Zurich nhận định, dù các bảng xếp hạng đều tuyên bố sẽ đánh giá toàn diện thành tựu đa dạng của các trường đại học trong giảng dạy và nghiên cứu nhưng họ không thể làm như vậy vì họ đã giảm bớt các chỉ số, gom chung nhiều chỉ số khác nhau thành một điểm duy nhất và chỉ tập trung vào các tiêu chí mang tính số lượng.

Cũng vì nhìn nhận về các bất cập đó mà Đại học Zurich quyết định sẽ không còn cung cấp dữ liệu đánh giá liên quan tới trường mình cho tạp chí Times Higher Education - đơn vị đưa ra World University Ranking, kể từ năm tới. Trong bảng xếp hạng gần đây nhất xuất bản vào tháng 9-2023, đại học này đứng thứ 80 trong số những trường đại học tốt nhất thế giới, theo Swissinfo.ch.

Đại học Zurich trong nhiều năm qua luôn tích cực vận động cả ở trong nước lẫn quốc tế để xây dựng văn hóa cởi mở trong học thuật. Nền khoa học mở sẽ gồm những nội hàm như sẵn lòng trao đổi, giao lưu, minh bạch và khả năng tái lập, thúc đẩy nghiên cứu chất lượng cao, hiệu quả và có tác động.

Khả năng tái lập (reproducibility) là khái niệm quan trọng trong khoa học, đề cập khả năng lặp lại một nghiên cứu và thu được kết quả tương tự. Điều này có nghĩa các nhà khoa học khác, sử dụng cùng phương pháp và dữ liệu, có thể xác nhận những phát hiện của nghiên cứu ban đầu. Độ tin cậy của một nghiên cứu khoa học phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tái lập. Nếu một nghiên cứu không thể được tái lập, thì kết quả của nó sẽ không được tin cậy và không thể được sử dụng để đưa ra kết luận khoa học.

Đại học Zurich là bên tham gia ký Thỏa thuận về cải cách đánh giá nghiên cứu do Hiệp hội Science Europe, Hiệp hội các trường đại học châu Âu và nhiều tổ chức khác điều phối, và thỏa thuận này chú trọng vào chất lượng hơn số lượng.

Bảng xếp hạng World University Ranking là gì?
Được phát hành lần đầu năm 2004, bảng xếp hạng World University Ranking của tạp chí Times Higher Education là ấn bản xếp hạng các trường đại học trên toàn thế giới căn cứ vào chất lượng giảng dạy và số lượng công bố các nghiên cứu khoa học. Times Higher Education sẽ căn cứ vào những tiêu chí như thu nhập trong ngành của trường, sự đa dạng của các lĩnh vực học thuật, số sinh viên theo học, chất lượng giảng dạy và các công trình nghiên cứu cũng như ảnh hưởng của trường để xếp hạng. Bảng xếp hạng này là một trong những nghiên cứu về các trường đại học trên thế giới được trích dẫn nhiều nhất. Nhiều cơ sở học thuật thường tự hào khoe về thứ bậc của họ trong bảng xếp hạng này như một sự bảo chứng cho chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.
Theo học ngành phien dich tieng han tại Đại học Duy Tân