Israel tiến thoái lưỡng nan về đáp trả Iran

.

Thủ tướng Netanyahu đối mặt tình thế tiến thoái lưỡng nan về cách đáp trả Iran sau khi nước này dội “mưa” tên lửa và máy bay không người lái vào lãnh thổ Israel ngày 14-4, bước leo thang nguy hiểm đưa hai đối thủ hàng đầu ở Trung Đông đến gần bờ vực của cuộc chiến toàn diện hơn bao giờ hết.

Lực lượng chức năng Israel kiểm tra phần còn lại của một tên lửa đẩy do Iran phóng vào ngày 14-4 về phía gần Arad (Israel). Ảnh: Reuters
Lực lượng chức năng Israel kiểm tra phần còn lại của một tên lửa đẩy do Iran phóng vào ngày 14-4 về phía gần Arad (Israel). Ảnh: Reuters

Israel tạm hủy kế hoạch trả đũa

Theo giới quan sát, nếu giới lãnh đạo Israel muốn gây chiến với Iran, thì cuộc tấn công của Iran vừa qua sẽ là một cái cớ hợp lý. Tuy nhiên, đến nay, những dấu hiệu ban đầu cho thấy, dưới áp lực mạnh mẽ của Mỹ nhằm không kéo phần còn lại của thế giới vào một xung đột ở phạm vi toàn Trung Đông, Israel dường như đang thận trọng.

Thực tế, dù ngay sau khi đòn tập kích của Iran, các quan chức Israel cam kết sẽ phản ứng mạnh mẽ, đáng kể nhưng sau khi trao đổi với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Netanyahu đã hủy kế hoạch trả đũa Iran ngay lập tức. Theo New York Times, ngày 15-4, một số thành viên nội các thời chiến của Israel ban đầu hô hào tiến hành đòn đáp trả. Song, xét đến việc cuộc tấn công của Iran không gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cùng với trao đổi của ông Biden và ông Netanyahu, nội các Israel chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về phản ứng trước đòn tập kích lớn của Iran.

Rõ ràng, thông điệp chính của chính quyền Tổng thống Biden dành cho Israel lúc này là: Hãy dừng lại và suy nghĩ. Giới chức Mỹ dự đoán Israel sẽ đáp trả Iran một cách kiềm chế thay vì phản công toàn diện. Mỹ tạm gác qua một bên sự rạn nứt ngày càng lớn với ông Netanyahu về hành vi của Israel trong cuộc chiến đẫm máu ở Gaza để hỗ trợ đồng minh quan trọng nhất trong khu vực mà sâu xa cũng là cách bảo vệ lợi ích lâu dài của Mỹ trong khu vực.

CNN dẫn lời Thượng nghị sĩ dân chủ Chris Coons, đồng minh thân cận của ông Biden, cho rằng: “Israel nên tạm dừng phản ứng trong lúc này, tham khảo ý kiến của các đồng minh và đối tác thân cận, đánh giá thiệt hại và hoạt động, sau đó quyết định đâu là hành động đáp trả thích hợp nhất”. 

“Khoảng lặng” đáng lo ngại

Tuy đã lắng nghe lời can ngăn từ ông Biden, song giờ đây, ông Netanyahu phải đối mặt với nội các đang chia rẽ về cách đáp trả Iran. Các đối tác liên minh cực hữu đang kêu gọi phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Iran và nhật báo Yedioth Ahronoth ví von tình thế này như “tiếng trống chiến tranh đang đánh ngay trong phòng họp của nội các thời chiến Israel”.

Đa phần giới chức Israel luôn tin rằng tính răn đe sắt đá của mình là rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhà nước và sự an toàn của công dân và những gì Israel trả đũa Hamas sau thảm kịch bị tấn công trước vào ngày 7-10-2023 đã nhấn mạnh hơn nữa cam kết đối với cách tiếp cận này.

Các bên liên quan rõ ràng sẽ chịu tổn thất lớn nếu cuộc chiến mới bùng nổ giữa Israel và Iran. Theo  Guardian, chính những quyết định và tính toán sai lầm của ông Netanyahu kể từ thời điểm bùng nổ xung đột Israel - Hamas đã đưa Israel đến thời điểm bấp bênh này. Israel hiện không thể cùng một lúc chiến đấu trên nhiều mặt trận mà chung quy cũng là màn đối đầu giữa nước này và Iran cùng lực lượng như Hamas, Hezbollah, Houthi.

Trong khi đó, cuộc chiến với Israel sẽ đẩy Iran vào tình thế khó khăn chồng chất hơn nữa bởi nước này đang chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây. Còn đối với ông Biden, một Trung Đông càng thêm rối ren với sự can thiệp của Mỹ cũng sẽ tác động không nhỏ đến lá phiếu ủng hộ của cử tri đối với ông Biden vốn đang có tham vọng đứng đầu Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa.

Theo giới quan sát, chừng nào cuộc chiến ở Gaza còn diễn ra thì khả năng xảy ra xung đột giữa Israel và Iran còn lâu mới kết thúc. Nhận định này tương đồng với những gì Trung Quốc nhận xét rằng căng thẳng giữa hai ông lớn quân sự bậc nhất Trung Đông này thực ra cũng chỉ là “ vết dầu loang” từ chiến sự ở “địa ngục trần gian” Gaza.

Hàng không toàn cầu rối loạn
Theo Reuters, các hãng hàng không toàn cầu phải đối mặt với gián đoạn sau khi Iran tấn công Israel. Điều này khiến thu hẹp lựa chọn cho các máy bay di chuyển giữa châu Âu và châu Á. Ít nhất hàng chục hãng hàng không phải hủy hoặc định tuyến lại các chuyến bay trong những ngày qua. Ông Mark Zee, nhà sáng lập OPSGROUP, tổ chức chuyên giám sát không phận và sân bay, cho biết: “Đây là gián đoạn lớn nhất đối với việc di chuyển bằng đường hàng không kể từ cuộc tấn công vào Trung tâm thương mại thế giới ở Mỹ vào ngày 11-9-2001. Chúng tôi chưa gặp tình huống nhiều không phận khác nhau liên tiếp bị đóng cửa như hiện nay, và điều đó tạo ra sự hỗn loạn trong vài ngày tới”.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.