Trong tuần qua, thị trường dầu mỏ lại một lần nữa xảy ra biến động lớn khi giá dầu thô Brent và West Texas Intermediate (WTI) lần lượt xác lập kỷ lục mới khi tăng tới 4%. Trong phiên giao dịch sáng 8-4, giá dầu giảm có lúc tới 2,6% sau thông tin Israel rút thêm quân khỏi miền nam Gaza và để ngỏ khả năng nối lại đàm phán về lệnh ngừng bắn, nhưng vẫn còn neo ở mức cao.
Mức tăng trở lại gần đây của giá dầu đã rất trái ngược với tình hình hồi đầu năm khi dầu WTI chật vật để neo mức giá hơn 70 USD/thùng. Vào thời điểm đó có lo ngại về sự không chắc chắn của kinh tế Trung Quốc, cũng như nghi ngại về tinh thần đồng thuận trong quyết định tự nguyện giảm sản lượng của OPEC+. Dường như thế giới cũng không quá lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung do ảnh hưởng từ các xung đột ở Ukraine hay Gaza.
Tuy giá dầu đã giảm nhưng giới quan sát cho rằng mặt hàng chiến lược này vẫn đang nằm trong “vùng biến động” lớn về giá và chưa thực sự ổn định dưới tác động kết hợp của nhiều yếu tố. Trước hết về tổng thể đang có tầm nhìn khá lạc quan về sự hồi phục và tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, điều sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ. Bên cạnh đó, việc các nước OPEC+ cùng thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện, theo đó siết chặt bớt nguồn cung.
Những căng thẳng leo thang gần đây tại Trung Đông giữa Iran và Israel cũng làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ xảy ra xáo trộn hay gián đoạn nguồn cung dầu. Ngoài ra, nhân tố quan trọng gần đây gây ảnh hưởng biến động của giá dầu còn là việc Ukraine sử dụng nhiều máy bay không người lái (drone) tấn công các cơ sở lọc dầu của Nga. Dù các ước tính chưa thống nhất, song người ta tin rằng vụ tấn công bằng drone của Ukraine có thể gây ảnh hưởng khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày trong năng lực sản xuất dầu của Nga.
Dù không chắc chắn, song giới chuyên gia cho rằng, giá dầu sẽ không dễ trở lại như giai đoạn hồi đầu năm. Thực tế, mức giá dao động quanh 80 USD/thùng hiện nay phù hợp với mong muốn của Saudi Arabia, nước dẫn đầu OPEC. Chắc chắc cả OPEC+ cũng muốn duy trì mức giá này lâu dài thay vì cố thúc ép để có được mức giá cao hơn nhưng cũng sẽ đồng thời kéo nhu cầu giảm xuống.
Ở thời điểm này, khả năng dầu sẽ còn tăng giá được nhận định đang ở mức nhỉnh hơn so với khả năng dầu sẽ giảm giá khi xét trên nhiều phương diện. Trước hết về khả năng tăng giá, có nguy cơ tiềm ẩn là rủi ro gián đoạn hay sụt giảm nguồn cung khi việc khai thác dầu của Nga và các nước Trung Đông bị ảnh hưởng do những xung đột đang diễn ra. Ngoài ra, vụ tấn công tàu chở dầu trên Biển Đỏ của Houthi và động thái cắt giảm mạnh sản lượng dầu xuất khẩu của Mexico sang Mỹ cũng khiến nguồn cung dầu có thêm biến động. Tất cả nhân tố tiềm ẩn này là cơ sở khiến Bloomberg lo ngại thời gian tới thậm chí giá dầu có thể lập kỷ lục 100 USD/thùng lần đầu tiên trong hai năm.
Ở chiều ngược lại, khả năng giá dầu giảm có thể sẽ đến, trước hết từ viễn cảnh thị trường dầu trở nên dồi dào với nguồn cung tràn ngập. Dù OPEC+ thể hiện sự đồng thuận đáng kể về tự nguyện siết sản lượng, song luôn tồn tại căng thẳng ngầm bên trong khối này khi vẫn có những thành viên luôn mong muốn được tăng sản lượng như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Thực tế sự đoàn kết của OPEC lâu nay vẫn phụ thuộc vào tinh thần sẵn sàng “gánh team” của Saudi Arabia khi nước này lãnh nhận phần lớn phần cắt giảm trong cam kết cắt giảm tự nguyện chung của nhóm.
Hiện, nếu tổng sản lượng cắt giảm của OPEC là 5,6 triệu thùng/ngày thì Saudi Arabia cắt giảm 3,1 triệu thùng. Ngoài ra, giá dầu còn có thể được kéo xuống nếu sản lượng dầu của các nước không thuộc nhóm OPEC, trong đó Mỹ và ngành công nghiệp dầu đá phiến, sẽ tăng vượt dự đoán. Dù có tín hiệu tích cực về viễn cảnh kinh tế toàn cầu, song khả năng về mức tăng lớn trong nhu cầu dầu mỏ của thế giới (vượt quá 2 triệu thùng/ngày trong năm nay so với mức dự báo 1,3 triệu thùng/ngày hiện tại của Cơ quan năng lượng quốc tế - IEA) là tương đối nhỏ.
ĐỖ DƯƠNG