Giới chức Mỹ đang cân nhắc trừng phạt nhiều đơn vị an ninh của Israel với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Bờ Tây.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích kế hoạch của Mỹ về trừng phạt đơn vị quân đội của Israel. Ảnh: Reuters |
Nếu Mỹ thực hiện ý định này, đây là quyết định chưa từng có tiền lệ trong mối quan hệ đối tác kéo dài hàng thập niên với Israel, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ đồng minh này đang gặp nhiều khúc mắc liên quan chiến sự Israel-Hamas ở Gaza.
Lập trường của Mỹ
Trong khi giới chức Mỹ từ chối chỉ ra đơn vị dự kiến sẽ bị trừng phạt, giới lãnh đạo Israel và truyền thông địa phương đã gọi tên tiểu đoàn gây tranh cãi Netzah Yehuada. Hai nguồn tin của Mỹ nói với Times of Israel rằng, sau hơn một năm điều tra hoạt động vi phạm nhân quyền của các lực lượng an ninh Israel, Chính phủ Mỹ dự kiến bổ sung vào danh sách trừng phạt một số đơn vị khác thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và cảnh sát nước này, không chỉ riêng với Netza Yehuda vốn có phần lớn quân số theo nhánh bảo thủ của đạo Do Thái chính thống đang tác chiến ở Dải Gaza.
Tiểu đoàn này gây tranh cãi vì liên quan nhiều vụ đối đầu bạo lực giữa người định cư Israel cực hữu và người Palestine tại Bờ Tây. Sau loạt rắc rối, IDF điều chuyển tiểu đoàn này khỏi Bờ Tây, song không có động thái kỷ luật hay trừng phạt binh sĩ vi phạm cụ thể nào. Và đây chính là lý do Chính phủ Mỹ buộc phải áp lệnh trừng phạt chẳng đặng đừng vào IDF.
Các lệnh trừng phạt dự kiến được thực thi dựa trên nguyên tắc của hội đồng đặc biệt mang tên “Diễn đàn Kiểm duyệt về Israel theo Đạo luật Leahy”. Vào thập niên 1990, cựu Thượng nghị sĩ Vermont Patrick Leahy ủng hộ đạo luật xác định cần công cụ để ngăn chặn viện trợ và huấn luyện quân sự của Mỹ cho các đơn vị an ninh nước ngoài vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhưng không bị xét xử.
Những đơn vị trong danh sách trừng phạt bị cấm tham gia mọi cuộc diễn tập cùng quân đội Mỹ. Động thái cứng rắn của Mỹ diễn ra giữa lúc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) báo cáo các vụ bạo lực năm 2023 liên quan những người định cư Israel chống lại người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006.
Có thể nói, lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ có thể là cách Mỹ vạch rõ lằn ranh giữa cam kết bảo vệ Israel và phản đối những hành động mà đồng minh này đã làm khiến căng thẳng leo thang ở Bờ Tây. Theo Guardian, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bác bỏ nhận định cho rằng Mỹ đang áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong xử lý các cáo buộc về hành vi không đúng mực của quân đội Israel ở Gaza khi đã thận trọng hạn chế chỉ trích Israel. Quan chức này tái khẳng định lập trường nhất quán của Mỹ trong áp dụng một tiêu chuẩn chung bất kể đối với đối thủ, bạn bè hay đồng minh.
Israel ứng phó ra sao?
Thông tin Mỹ sắp sửa trừng phạt thổi bùng lên làn sóng phản ứng gay gắt từ giới chức Israel. Theo CNN, ngày 21-4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chính quyền của ông sẽ làm mọi cách để chống lại bất kỳ ý định áp lệnh trừng phạt lên IDF. Tương tự, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant khẳng định, tiểu đoàn Netzah Yehuda là bộ phận không thể tách rời của IDF, tuân thủ các nguyên tắc của IDF và luật pháp quốc tế. Ông Gantz cho biết, Israel có hệ thống tư pháp độc lập, mạnh mẽ, đánh giá tỉ mỉ mọi khiếu nại về hành vi vi phạm hoặc đi chệch khỏi mệnh lệnh và quy tắc ứng xử của IDF. Ông kêu gọi Mỹ từ bỏ ý định trừng phạt vì cho rằng điều này sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm và vô tình truyền tải thông điệp sai lầm tới những đối thủ chung trong bối cảnh chiến sự ở Gaza chưa có hồi kết.
Ở góc độ pháp lý, các chuyên gia chỉ ra rằng Israel có thể viện dẫn hiệp ước năm 2021 như giải pháp cứu cánh, trong đó quy định Israel sẽ không chia sẻ viện trợ quân sự từ Mỹ với bất kỳ đơn vị trực thuộc nào mà Mỹ cho là có vi phạm. Thậm chí, các quy định Mỹ cũng chỉ ra “lối thoát hiểm”, đó là: Ngoại trưởng Mỹ có thể bãi bỏ áp dụng đạo luật Leahy nếu xác định Chính phủ Israel đang thực hiện quy trình hiệu quả để xử lý cá nhân vi phạm.
Trong diễn biến mới nhất, ngày 22-4, Wall Street Journal cho biết, khi căng thẳng với Iran dịu đi, quân đội Israel đang gấp rút chuẩn bị cho mục tiêu còn dang dở: tiêu diệt Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah ở nam Gaza, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ đồng minh quan trọng nhất là Mỹ. Rõ ràng, bất kỳ cuộc tấn công quân sự lớn nào cũng là canh bạc chiến lược với Israel: Thương vong dân sự cao sẽ làm xói mòn vị thế quốc tế của Israel và làm suy yếu mối quan hệ với Mỹ.
THƯ LÊ