Nghi vấn xung quanh việc Israel rút thêm quân ở nam Gaza

.

Israel tuyên bố rút thêm lực lượng khỏi miền nam Gaza vì lý do chiến thuật, song Mỹ cho rằng quân đội Israel có thể đang cần nghỉ ngơi sau nhiều tháng giao tranh với Hamas.

Các tòa nhà bị phá hủy ở Khan Younis, Dải Gaza, vào ngày 7-4. Ảnh: AFP
Các tòa nhà bị phá hủy ở Khan Younis, Dải Gaza, vào ngày 7-4. Ảnh: AFP

Ngày 7-4, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo các lực lượng bộ binh đã rút khỏi thành phố Khan Younis ở miền nam Gaza sau nhiều tháng giao tranh ác liệt và hiện chỉ giữ lại duy nhất một lữ đoàn. Một lữ đoàn Israel thường có khoảng vài nghìn binh sĩ nhưng vẫn chưa rõ chính xác có bao nhiêu binh sĩ Israel rút khỏi Gaza.

Vì chiến thuật hay do mệt mỏi?

Quân đội Israel khẳng định quyết định rút bộ binh khỏi miền Nam Gaza xuất phát từ các lý do mang tính chiến thuật và từ chối cung cấp thêm thông tin vì lo ngại an ninh. Ngày 7-4, CNN dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant thông báo, quân đội nước này rút quân khỏi Khan Younis để chuẩn bị những nhiệm vụ mới, trong đó có Rafah - nơi trú ẩn của hơn 1 triệu người Palestine và là thành trì cuối cùng của Hamas chưa bị Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) càn quét. Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi khẳng định, chiến sự vẫn tiếp diễn và còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, theo kênh ABC, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby nhận định, việc rút quân khó có thể là dấu hiệu của một số hoạt động mới sắp diễn ra mà chỉ nhằm mục đích nghỉ ngơi và tái trang bị sau 4 tháng hoạt động trên thực địa.

NBC News dẫn lời ông Michael Horowitz, người đứng đầu cơ quan tình báo tại công ty tư vấn quản lý rủi ro và an ninh Le Beck International, cho biết: “Việc rút quân đánh dấu bước ngoặt trong chiến dịch ở Gaza. Chiến sự đang bước vào giai đoạn mới khi giao tranh vẫn kéo dài nhưng có thể ở cường độ thấp hơn”. Số lượng quân của IDF ở Gaza đang ở mức thấp nhất kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 10-2023, gồm hai lữ đoàn dọc theo trục chia cách Gaza. Về cơ bản, điều này đồng nghĩa IDF có thể chuyển sang chiến dịch dài hạn hơn với mục tiêu tấn công rõ ràng hơn. Đây là điều mà Mỹ từng yêu cầu trong nhiều tháng. Việc rút quân dường như không phải là cuộc luân chuyển quân đơn giản vì không có binh sĩ nào tiến vào miền nam Gaza để thay thế các lực lượng đã rút đi. Theo đó, cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn vào Rafah khó xảy ra, ít nhất là trong thời gian ngắn.

Thực tế, bên cạnh cuộc chiến với Hamas, quân đội Israel đang chiến đấu ở nhiều mặt trận và cũng đang chuẩn bị chuyển từ phòng thủ sang tấn công Hezbollah ở biên giới phía bắc với Lebanon vốn là một trong nhiều điểm nóng giữa các lực lượng ủy nhiệm của Israel và Iran. Do đó, Israel cần tính toán để bảo toàn sức mạnh lực lượng để ứng phó cùng lúc nhiều thách thức.

“Khoảng trống an ninh”

Ở góc nhìn khác, thời điểm đưa ra thông báo rút quân đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là cách Israel xoa dịu sự thất vọng của Mỹ sau sự thay đổi rõ rệt trong giọng điệu của đồng minh này, nhất là sau vụ sát hại 7 nhân viên quốc tế tham gia cứu trợ cho dân thường Israel trước đó; trong số đó có công dân mang hai quốc tịch Mỹ-Canada.

Động thái của Israel cũng diễn ra trùng hợp thời điểm phái đoàn Hamas và Israel đến Ai Cập tham gia vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn. Lâu nay Hamas muốn bất cứ thỏa thuận nào cũng cần đạt được mục tiêu chấm dứt giao tranh và Israel buộc phải rút quân - yêu cầu mà Israel liên tục bác bỏ. Do đó, dư luận đặt câu hỏi liệu việc rút quân một phần này có phải là thỏa hiệp khả thi hay không. Sky News nhận định, việc rút quân phải đi kèm với tiến bộ có ý nghĩa trong tiến trình chính trị. Nếu không như vậy, bất kỳ lợi ích quân sự nào mà Israel đạt được có thể nhanh chóng bị mất đi khi xuất hiện “khoảng trống an ninh” như đã từng xảy ra ở bắc Gaza, có thể dẫn đến sự quay trở lại của Hamas, đặt hai bên ở vòng luẩn quẩn giao tranh.

Theo số liệu của cơ quan y tế ở Gaza, cuộc tấn công trả đũa của Israel kéo dài trong 6 tháng qua cướp đi sinh mạng của hơn 33.000 người và khiến toàn bộ 2,3 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa.

Nguy cơ đối đầu với Iran gia tăng
Ngày 7-4, sau khi đánh giá, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nhấn mạnh nước này đã hoàn tất công tác chuẩn bị ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra với Iran sau khi Iran dọa trả đũa vụ tập kích khu sứ quán ở Syria gần đây. Trước đó, Tướng Rahim Safavi, cố vấn cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, cảnh báo không còn đại sứ quán nào của Israel an toàn và Iran coi việc đối đầu với Israel là hợp pháp. Giới chuyên gia nhận định, Iran có thể đáp trả vụ tập kích khu sứ quán ở Syria bằng cách nhắm vào cơ sở của Israel ở nước ngoài hay kêu gọi các lực lượng được họ hậu thuẫn phát động tấn công. Cùng ngày, truyền thông Iran cho biết, nước này hiện sở hữu 9 loại tên lửa có tầm bắn đủ vươn tới lãnh thổ Israel.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.
Thông tin vng tuyển dụng