Cuộc điện đàm mới đây giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được ví như “mỏ neo” ổn định quan hệ giữa hai nước năm 2024 và báo hiệu đôi bên sẵn sàng kiểm soát căng thẳng bất chấp khác biệt gia tăng vốn không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Theo Tân Hoa Xã, ngày 2-4, ông Tập Cận Bình và ông Biden có cuộc điện đàm tập trung trao đổi thẳng thắn, sâu sắc về quan hệ song phương, cũng như mối quan tâm chung về tình hình thế giới. Cuộc trò chuyện hiếm hoi chuyển tải thông điệp tích cực khi cho thấy sự tiếp nối “Tầm nhìn San Francisco” đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh tại Mỹ năm 2023 về thúc đẩy hợp tác và quản lý khác biệt; đồng thời phản ánh mấu chốt hiện tại để duy trì quan hệ ổn định nằm ở cơ chế trao đổi thông suốt giữa hai nhà lãnh đạo trong nỗ lực tìm thêm tiếng nói chung.
Dư luận đặc biệt dõi theo “những cái đầu tiên” mà ông Tập Cận Bình đề cập trong cuộc điện đàm nhằm thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán, rõ ràng và minh bạch của Trung Quốc về một số vấn đề trọng tâm trong quan hệ song phương. Trước tiên, dẫu thuật ngữ “yếu tố tiêu cực” xuất hiện lần đầu trong tuyên bố của Trung Quốc về cuộc điện đàm này, song hai bên đều bày tỏ mong muốn ngăn chặn “các yếu tố tiêu cực” ảnh hưởng sự ổn định chung của quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình nhấn mạnh 3 nguyên tắc bao trùm định hướng quan hệ Mỹ - Trung năm 2024. Một là phải coi trọng hòa bình. Hai bên không xung đột và không đối đầu, đồng thời củng cố triển vọng tích cực trong quan hệ song phương. Hai là phải ưu tiên sự ổn định. Hai nước không nên để quan hệ song phương thụt lùi, không nên châm ngòi các sự cố hoặc vượt quá lằn ranh. Ba là phải bảo đảm chữ tín thông qua tôn trọng các cam kết của nhau bằng hành động và biến “Tầm nhìn San Francisco” thành hiện thực. Để thực hiện những nguyên tắc này, hai nước cần tăng cường đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, quản lý khác biệt một cách thận trọng, thúc đẩy hợp tác trên tinh thần cùng có lợi và tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế một cách có trách nhiệm.
Global Times dẫn lời Giáo sư Shen Yi tại Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) nhận định, “ổn định tổng thể” cũng là điểm mới trong thông điệp điện đàm, cho thấy Trung Quốc có cái nhìn thực tế hơn và tin tưởng hơn vào quan hệ với Mỹ, phấn đấu vì hòa bình và ổn định trong bức tranh toàn cầu rộng lớn, đồng thời không ngại cạnh tranh trong các khía cạnh cụ thể nếu cần thiết. Ông Tập Cận Bình lần đầu ví von “nhận thức chiến lược” - nền tảng cho quan hệ song phương - cũng giống như chiếc cúc đầu tiên trên chiếc áo sơ mi phải được cài đúng cách. Ẩn ý đằng sau phép ẩn dụ này là tín hiệu rõ ràng đối với Mỹ rằng việc xác lập nhận thức chiến lược đúng đắn đối với Trung Quốc phải bước đầu tiên để tạo khác biệt hướng đến quan hệ tốt đẹp hơn.
Trong cuộc điện đàm này, ông Biden thông báo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Trung Quốc trong nỗ lực tăng cường đối thoại và liên lạc, tránh tính toán sai lầm và thúc đẩy hợp tác và cùng ứng phó thách thức toàn cầu. Điều này đánh dấu lần đầu tiên trong cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo có sự sắp xếp cụ thể về các chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ.
Có thể thấy Mỹ đang cần Trung Quốc trong bối cảnh phải đối mặt với loạt vấn đề phức tạp ở cả trong và ngoài nước bởi đây cuộc điện đàm diễn ra theo yêu cầu của Mỹ và người đứng đầu Nhà Trắng chủ động thông báo lịch trình chuyến thăm nói trên. Cũng cần nói thêm rằng, ông Biden tỏ ra thận trọng khi nêu rõ quan điểm Mỹ không tìm kiếm chiến tranh lạnh mới; các liên minh do Mỹ đứng đầu không nhằm vào Trung Quốc; tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Thời gian qua chứng kiến những chuyển động tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung, trong đó là việc ông Tập Cận Bình chủ động gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp, chiến lược và học thuật Mỹ tại Bắc Kinh cuối tháng 3-2024, đánh dấu sự kiện hiếm hoi giữa lãnh đạo cấp cao nước này với các đại diện Mỹ.
Rõ ràng, bức tranh toàn cầu đan xen chuyển biến khó đoán trong khi Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại khác biệt sâu sắc, đặc biệt định vị Trung Quốc là đối thủ hàng đầu vẫn là nhận thức chung của giới chức Mỹ, nên chiều hướng căng thẳng hay hòa dịu giữa hai nước sẽ phụ thuộc vào cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên, điều mà dư luận mong muốn lúc này là hai nước phải thận trọng kiểm soát mối quan hệ bên trong “rào chắn” an toàn để tránh leo thang thành xung đột, thông qua trao đổi, đối thoại, tham vấn nhiều hơn, bình tĩnh xử lý bất cứ bất đồng và sự cố phát sinh.
THƯ LÊ