Phương Tây vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của Nga

.

Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với lĩnh vực năng lượng, nguồn thu nhập chính của Nga nhưng vẫn loại trừ năng lượng hạt nhân bởi vẫn còn sự phụ thuộc rất nhiều.

Chiếm gần 50% thị phần toàn cầu

Theo World Inside.com, trong quá trình làm giàu uranium, quy trình đầu tiên trong sản xuất nhiên liệu hạt nhân, Nga chiếm gần 50% thị phần toàn cầu. Mỹ, các nước Liên minh châu Âu (EU) và đặc biệt các nước Trung và Đông Âu phụ thuộc rất nhiều vào Nga. Trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Nga thu hàng tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân và lò phản ứng. Nga cũng có quyền kiểm soát thị trường xuất khẩu lò phản ứng. Trong số các lò phản ứng được xuất khẩu trong thập kỷ từ 2012 đến 2021, hơn 60% được sản xuất tại Nga. Thu nhập năm tài chính 2021 của Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) đạt 9 tỷ USD. Ngay cả sau khi xung đột nổ ra, công ty vẫn duy trì tính cạnh tranh về điện hạt nhân và đạt mức tăng trưởng cao.

Ngoài ra, nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng nhỏ (SMR) và lò phản ứng tái tạo nhanh (FBR), được gọi chung là lò phản ứng thế hệ tiếp theo, đòi hỏi một quy trình đặc biệt so với nhiên liệu hạt nhân thông thường được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, điều mà các công ty Nga đang thống trị thị trường. Do đó ảnh hưởng của Nga trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Cố gắng thoát khỏi phụ thuộc Nga

Theo World Inside.com, chuyên gia Henry Sokolski thuộc Trung tâm Giáo dục Chính sách Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPEC) có trụ sở tại Mỹ lập luận, phương Tây nên hạn chế dựa vào Nga để làm giàu uranium và nhiên liệu hạt nhân càng sớm càng tốt. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Phần Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia liên tiếp cân nhắc chuyển sang sử dụng nhiên liệu hạt nhân từ các nhà cung cấp của Mỹ, trong đó, một số nước đã thành công.

Tuy nhiên, do thực tiễn với các hợp đồng điện hạt nhân nên việc thay đổi nhà cung cấp nhanh chóng là điều không dễ dàng. Việc làm giàu uranium và nhiên liệu hạt nhân thường được giao dịch theo hợp đồng dài hạn 5 đến 10 năm. Việc hủy hợp đồng giữa kỳ có thể có nguy cơ phải bồi thường khoản tiền khổng lồ cho Rosatom. Vì vậy, bất chấp lời kêu gọi mạnh mẽ trong EU về việc trừng phạt Nga, Ủy ban châu Âu (EC) không thể hành động trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh đó, Mỹ càng lo ngại rằng, nếu tình hình không thay đổi, Nga không chỉ có nguồn thu vững chắc giúp duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt mà còn trở thành mối đe dọa an ninh, sử dụng nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân làm “vũ khí ngoại giao”. Vì vậy, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cung cấp khoản trợ cấp 150 triệu USD cho các công ty tham gia sản xuất uranium chất lượng cao và mức độ làm giàu thấp 5-19,75% (HALEU). Đây là nguyên liệu hạt nhân thích hợp để làm lõi phản ứng cho các nhà máy điện hạt nhân tiên tiến đang được Mỹ và nhiều nước châu Âu khác phát triển.

Tuy nhiên, Mỹ không có công ty nào có khả năng cung cấp máy ly tâm cần thiết cho sản xuất HALEU. Do đó, sự chú ý đang đổ dồn vào động thái của những đơn vị ở Nhật Bản vốn có thể tự cung cấp máy ly tâm ở phương Tây. Tóm lại, trừ khi Nhật Bản và các nước phương Tây khác tập hợp công nghệ và cơ sở vật chất của họ để đưa ra các giải pháp, sự thống trị của Nga trên thị trường điện hạt nhân toàn cầu có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.