Trong cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình Univision (Mỹ) phát sóng ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, cách xử lý vấn đề Hamas của Israel tại Gaza là “một sai lầm” và ông kêu gọi nước đồng minh này mau chóng chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn 6-8 tuần với Hamas.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: AFP |
Những bình luận công khai mới nhất này của ông Biden một lần nữa cho thấy mối quan hệ đã nhạt hơn nữa giữa nhà lãnh đạo Mỹ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau một loạt bất đồng gần đây liên quan tới cuộc xung đột tại Gaza.
“Tôi không đồng ý”
Chỉ vài ngày trước đó dư luận thế giới phẫn nộ trước vụ không kích nhầm của Lực lượng phòng vệ Israel đã sát hại 7 nhân viên cứu trợ nhân đạo tại Gaza, trong đó có một công dân Mỹ. Những phát biểu của ông Biden trong cuộc phỏng vấn với Univision cũng được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng thể hiện rõ hơn ý định sẽ tìm giải pháp gây áp lực để buộc Israel phải thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến tại Gaza.
“Tôi nghĩ những gì ông ấy đang làm là sai lầm... Tôi không đồng ý với cách tiếp cận của ông ấy”, Reuters dẫn lời ông Biden nói về ông Netanyahu. Tổng thống Mỹ có vẻ như muốn nhắc cụ thể tới vụ tấn công bằng drone đã sát hại các nhân viên cứu trợ thuộc tổ chức thiện nguyện World Central Kitchen. Ông gọi đó là việc tàn nhẫn khi các phương tiện của tổ chức này không gây ra bất cứ mối đe dọa nào. “Vậy nên điều mà tôi kêu gọi lúc này với những người Israel là hãy thực hiện một lệnh ngừng bắn, cho phép việc tiếp cận hoàn toàn trong 6 đến 8 tuần nữa với mọi lương thực và thuốc men được đưa vào nơi này. Tôi cũng đã nói với mọi người, từ Saudi cho tới Jordan và Ai Cập. Họ đã sẵn sàng để đi vào Gaza. Và tôi nghĩ không có lý do gì để không cung cấp lương thực và thuốc men cho những người ở đó. Điều đó cần được thực hiện lúc này”, ông Biden nói thêm.
Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden cũng đã nhắc lại lập trường lâu nay của Nhà Trắng: một lệnh ngừng bắn sẽ chỉ diễn ra đồng thời với một thỏa thuận về con tin. Trên thực tế trong nhiều tháng qua, ông Biden đã kêu gọi thực hiện một lệnh ngừng bắn 6-8 tuần, kể cả trong bài phát biểu Thông điệp liên bang của ông hồi tháng 2-2024. Và điều đó luôn đi kèm điều kiện Hamas phải thả số con tin họ đã bắt từ ngày 7-10-2023. Ngày 25-3, Mỹ lần đầu tiên không phủ quyết với một nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu thực hiện ngừng bắn tại Gaza. Dù vậy ở thời điểm này thật khó để biết Mỹ sẽ phản ứng thế nào nếu quốc gia đồng minh của họ bất chấp những kêu gọi và đe dọa để quyết chiến một trận tại Rafah như đã tuyên bố.
Những diễn biến khó lường
Tuần trước, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Isarel, ông Biden cảnh báo ông Netanyahu rằng nếu tình hình nhân đạo tại Gaza không cải thiện, Mỹ sẽ cân nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ lâu nay của họ với chiến dịch trả đũa của Israel nhắm vào Hamas.
Chỉ vài giờ sau những đe dọa cắt viện trợ từ Mỹ, ngày 5-4, Israel tuyên bố mở lại cửa khẩu Erez, cách Gaza khoảng 40km về phía bắc, mở lại cảng Ashdod và một số tuyến đường để các xe tải có thể di chuyển vào từ Jordan. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10-2023 Israel mới mở lại cửa khẩu Erez. Tuy nhiên, việc Israel có thể tạo điều kiện lưu thông hàng cứu trợ tốt hơn, cũng như giảm thiểu tối đa thương vong dân thường trong bao lâu thì lại là vấn đề rất khó đoán định. Mới đây, ngày 8-4, ông Netanyahu tuyên bố Israel đã định được ngày sẽ mở chiến dịch tại thành phố Rafah, nơi tránh trú cuối cùng của khoảng 1,4 triệu người Palestine.
Tuyên bố đưa ra giữa lúc các nhà đàm phán Israel đang thảo luận tại Cairo (Ai Cập) về thỏa thuận ngừng bắn với Hamas. Tuy nhiên, bất ngờ là sau đó cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant lại nói với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin rằng Israel vẫn chưa xác định ngày mở chiến dịch tấn công Rafah. Ở một diễn biến khác liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết dự kiến trong tuần tới một phái đoàn Israel sẽ tới Washington để thảo luận về vấn đề Rafah.
Những thông tin tiền hậu bất nhất kiểu như vậy, cộng thêm với các bế tắc và thất bại trong đàm phán thời gian qua khiến tất cả những người Gaza và người Israel đang mỏi mòn chờ đợi một lệnh ngừng bắn lúc này đều thấp thỏm.
Kỳ vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn Hiện tại mọi sự chú ý vẫn đang dồn về thủ đô Cairo (Ai Cập). Trong lần đàm phán này, điểm khác biệt đáng kể, theo các chuyên gia, chính là những áp lực mới đã gia tăng, đặc biệt với Israel khi mà sự kiên nhẫn của Mỹ dường như đã sắp chạm giới hạn và dư luận phản đối trong nước với ông Netanyahu cũng đã dâng lên rất cao, biến thành những cuộc biểu tình quy mô khổng lồ phản đối chính phủ. “Những khác biệt lần này chính là mọi yếu tố đều đang thúc đẩy để một thỏa thuận có thể đạt được”, một nguồn tin giấu tên từ Israel nhận định với báo Washington Post. |
TRẦN ĐẮC LUÂN