Ung thư - "cơn thủy triều đang tới"

.

Mỗi năm có hàng chục triệu người trên thế giới mắc bệnh ung thư và hàng triệu người chết vì căn bệnh này. Tuy nhiên, tình hình có vẻ nghiêm trọng hơn khi báo cáo mới nhất của Hiệp hội Ung thư Mỹ dự đoán, số người mắc ung thư có thể tăng 77% vào giữa thế kỷ này.

Báo cáo được công bố trên Tạp chí Ung thư dành cho bác sĩ lâm sàng ngày 4-4 cho thấy, năm 2022, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán cùng với 9,7 triệu ca tử vong và con số này sẽ lên tới 35 triệu vào năm 2050. Ước tính, khoảng 1 trong 5 người còn sống sẽ mắc ung thư trong đời, khoảng 1 trong 9 nam giới và 1 trong 12 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này.

Gánh nặng gia tăng cho các nước thu nhập thấp

Theo CNN, tăng trưởng và già hóa dân số là những nguyên nhân chính dẫn đến gánh nặng ung thư toàn cầu. Nếu có thêm nhiều người sử dụng thuốc lá, mắc bệnh béo phì, cùng với các nguy cơ gây ung thư khác, thì số ca ung thư dự kiến ​​còn cao hơn, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp. Rất nhiều nguyên nhân gây ung thư thường thấy ở các nước có thu nhập cao hiện đang chuyển sang các nước thu nhập thấp. Điều đáng nói ở đây là những quốc gia thu nhập thấp không có công cụ để phát hiện ung thư sớm, điều trị ung thư phù hợp và ngăn ngừa bệnh theo những cách thường được thực hiện ở các quốc gia giàu có.

Dữ liệu toàn cầu về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cho thấy ung thư phổi là bệnh được chẩn đoán thường xuyên nhất vào năm 2022, với gần 2,5 triệu ca mắc mới và hơn 1,8 triệu ca tử vong. Theo sau là ung thư đại trực tràng, gan, vú ở phụ nữ, dạ dày, tuyến tụy, thực quản, tuyến tiền liệt, cổ tử cung và bạch cầu. 10 loại ung thư hàng đầu này ở cả nam và nữ chiếm hơn 60% số ca ung thư được chẩn đoán và tử vong do ung thư.

50% có thể phòng ngừa

CNN dẫn lời các tác giả của báo cáo cho biết, với hơn một nửa số ca tử vong do ung thư toàn cầu có khả năng phòng ngừa được, việc phòng ngừa mang lại chiến lược bền vững và hiệu quả nhất để kiểm soát căn bệnh này. Tiến sĩ Bilal Siddiqui, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas (Mỹ), cho rằng, dù nguyên nhân gây ung thư có thể phức tạp, do di truyền hoặc môi trường, nhưng khoảng 50% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được.

Theo báo cáo mới của Hiệp hội Ung thư Mỹ, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Căn bệnh này phần lớn có thể được ngăn ngừa thông qua các chính sách và quy định kiểm soát thuốc lá hiệu quả. Nếu loại bỏ thuốc lá có thể ngăn ngừa khoảng 2,6 triệu ca tử vong do ung thư mỗi năm. Đối với các loại ung thư khác, giảm cân nặng dư thừa, giảm tiêu thụ rượu, không hút thuốc và tăng cường hoạt động thể chất có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Theo Tiến sĩ Harold Burstein, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber và là Giáo sư tại Trường Y Harvard, ô nhiễm và các chất phơi nhiễm trong không khí có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, những nỗ lực cải thiện chất lượng không khí hoặc giảm ô nhiễm không khí là điều thực sự đáng quan tâm. Những điều giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư khác gồm sàng lọc để phát hiện ung thư sớm và có điều trị tốt hơn.

Ở Mỹ, có rất nhiều cơ hội để sàng lọc ung thư bằng chụp nhũ ảnh, nội soi và phết tế bào cổ tử cung. Tỷ lệ tử vong do ung thư vú và ung thư ruột kết giảm đáng kể, và khoảng một nửa trong số đó là do được phát hiện sớm. Ngược lại, nhiều quốc gia thu nhập thấp có tỷ lệ tử vong do ung thư cao mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thấp, phần lớn là do thiếu khả năng tiếp cận các công cụ sàng lọc để phát hiện bệnh sớm và dịch vụ điều trị tiên tiến.

Báo cáo không chỉ giúp nêu bật những xu hướng toàn cầu về ung thư mà còn làm nổi bật việc căn bệnh này đang trở thành vấn đề sức khỏe lớn hơn ở các khu vực có thu nhập thấp và trung bình. Tỷ lệ mắc ung thư sẽ tăng gấp đôi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình trong 25 năm tới. Do đó, nhu cầu phát hiện và sàng lọc sớm cũng như điều trị và chăm sóc sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống y tế vốn đã quá tải ở các nước này.

NGHI VĂN

;
;
.
.
.
.
.